Powered by Techcity

An Thạnh: Người dân khó khăn vì quy hoạch treo


Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa phát triển được như kỳ vọng. Một số dự án thành phần trong Đề án quy hoạch Khu kinh tế nhiều năm liền chưa triển khai được, trong đó có dự án Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn tại ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, gây khó khăn cho người dân sống trong vùng quy hoạch.

Nhà cửa xuống cấp, không thể xây sửa

Nằm trên trục đường quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), xã An Thạnh, huyện Bến Cầu là một trong những địa phương nằm trong Đề án quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với nhiều điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì vậy, năm 2021, An Thạnh đã được huyện Bến Cầu tập trung đầu tư xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có hàng chục hộ dân sống tại khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông, thuộc ấp Voi, xã An Thạnh vẫn chưa được thụ hưởng thành quả đó, khi mà họ phải sống trong những căn nhà cũ kỹ, tạm bợ được chắp vá bằng những mảng tôn gỉ sét. Xuồng máy là phương tiện duy nhất giúp người dân nơi đây đi lại, vận chuyển hàng hoá. Nơi đây vẫn còn nhiều em nhỏ không đến trường.

Khu dân cư ven sông Vàm Cỏ Đông nằm trong quy hoạch KCN Đại An Sài Gòn.

Ông Đặng Văn Thuấn, 66 tuổi, ngụ ấp Voi, xã An Thạnh cho biết, gia đình ông được chính quyền địa phương thông báo về chủ trương quy hoạch Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn từ năm 2013, đến nay, ông và các hộ dân nơi đây không được thông tin gì thêm.

Trong khi đó, mỗi khi người dân đề xuất đầu tư một số hạ tầng cơ sở như hệ thống đường giao thông, điện hoặc xây dựng nhà cửa đều được chính quyền địa phương thông báo là khu vực này còn nằm trong quy hoạch nên không được đầu tư, phải giữ nguyên hiện trạng đất đai, nhà cửa, không được xây mới vì sẽ không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định.

Theo ông Thuấn, việc “dính” vào quy hoạch đã khiến cuộc sống gia đình ông lâm tình cảnh khó khăn, đi chẳng được, ở cũng không xong. Nhà ông đang ở đã bị xuống cấp, nứt nẻ từ nhiều năm nay, nhưng ông không dám xây dựng lại. Hệ thống điện thì phải sử dụng chung với các hộ khác nên rất yếu, các cháu nhỏ phải nghỉ học vì không có đường đến trường.

Do vậy, ông rất mong muốn các cơ quan chức năng có thông tin cụ thể về thời gian triển khai dự án Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn, để người dân nơi đây an tâm sinh sống.

Phương tiện chủ yếu của người dân là xuồng máy vì không có đường bộ.

Bà Hồ Thị Dung, sinh năm 1963, Tổ trưởng tổ dân cư tự quản số 31, ấp Voi, xã An Thạnh cho biết, việc quy hoạch dự án nhằm phát triển kinh tế, xã hội địa phương là chủ trương đúng, người dân ấp Voi đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, việc quy hoạch “treo” quá lâu đã làm cho cuộc sống nơi đây rất khó khăn, người dân cũng đã nhiều lần ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

Ông Đặng Tuấn Kiệt, sinh năm 1982 cho biết, vì không được đầu tư hệ thống đường giao thông nên việc lưu thông của người dân nơi đây chủ yếu là đường thuỷ. Từ sau tết nguyên đán đến khoảng tháng 5 hằng năm, lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông dày đặc, gần như người dân trong khu vực này không thể đi ra ngoài, các cháu nhỏ không thể đến trường đúng giờ.

Bà Trần Thị Ngon, 74 tuổi, ngụ ấp Voi nói: “Quy hoạch quá lâu rồi, Nhà nước có làm thì triển khai bồi thường, đền bù cho dân, để chúng tôi đi nơi khác sống, còn nếu không làm nữa thì phải đầu tư đường sá cho người dân đi lại. Bây giờ, dân ở đây mà bệnh đau, cần đi cấp cứu, nếu đúng ngay mùa lục bình thì làm sao chở đi bệnh viện được”.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Tú, sinh năm 1983, là một xã nông thôn mới, các ấp khác ở xã An Thạnh được đầu tư hệ thống đường giao thông, có lưới điện đến tận nhà, người dân được khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng… để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong khi đó, hàng chục hộ dân tại đây không được đầu tư bất cứ thứ gì, ngay cả điện sinh hoạt cũng do người dân tự trồng trụ bằng cây, tự mua dây về đấu nối. Thậm chí, có hộ bị gió lốc cuốn tốc mái nhà phải dựng chòi ở tạm chứ không được xây dựng lại.

Địa phương cũng không nắm thông tin về dự án

Bà Võ Thị Thanh- Chủ tịch UBND xã An Thạnh cho biết, Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn được quy hoạch tại ấp Voi đã khá lâu, tình trạng quy hoạch treo đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống nhân dân tại đây, bà con cũng đã nhiều lần phản ánh đến các đại biểu HĐND trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Người dân không dám sửa nhà vì vướng quy hoạch KCN Đại An Sài Gòn.

Địa phương cũng rất quan tâm, nhưng đến nay, xã không nắm được thông tin cụ thể về tiến độ thực hiện như thế nào. Do đó, UBND xã cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm thông tin về Dự án Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn để người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng biết và chủ động ổn định cuộc sống.

Theo bà Thanh, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã An Thạnh đã huy động nhiều nguồn lực, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, ở khu vực nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn, địa phương cũng có đầu tư cứng hoá một con đường. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ có nhà ven sông Vàm Cỏ Đông chưa có đường bộ nên đời sống còn nhiều khó khăn. Do vướng quy hoạch nên địa phương cũng chưa có kế hoạch triển khai đầu tư cơ sở vật chất cho khu vực này.

Để nắm rõ thông tin về dự án Khu công nghiệp Đại An Sài Gòn, cũng như những giải pháp để cải thiện đời sống người dân tại ấp Voi, xã An Thạnh, ngày 15.8, Báo Tây Ninh đã có công văn gửi UBND huyện Bến Cầu và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh để phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo 2 đơn vị. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay cả 2 đơn vị vẫn chưa có phản hồi.

Thiện Đức



Nguồn: https://baotayninh.vn/nguoi-dan-kho-khan-vi-quy-hoach-treo-a178348.html

Cùng chủ đề

Sắc Đông trên núi Bà Đen

Từng đợt sương mờ nhè nhẹ phủ lên dải núi, như chiếc...

Chân dung Tổng Giám đốc VTV Nguyễn Thanh Lâm

Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Tây Ninh Giấy phép số 120/GP-BTTTT Ngày 09-3-2022 do Bộ Thông...

Tham quan, học tập kinh nghiệm về quy hoạch, xúc tiến đầu tư tại thành phố Tây Ninh

Hai đơn vị tặng quà lưu niệm. Tiếp đoàn có ông Lê Minh...

Cùng tác giả

Sắc Đông trên núi Bà Đen

Từng đợt sương mờ nhè nhẹ phủ lên dải núi, như chiếc...

Chân dung Tổng Giám đốc VTV Nguyễn Thanh Lâm

Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Tây Ninh Giấy phép số 120/GP-BTTTT Ngày 09-3-2022 do Bộ Thông...

Tham quan, học tập kinh nghiệm về quy hoạch, xúc tiến đầu tư tại thành phố Tây Ninh

Hai đơn vị tặng quà lưu niệm. Tiếp đoàn có ông Lê Minh...

Cùng chuyên mục

Tham quan, học tập kinh nghiệm về quy hoạch, xúc tiến đầu tư tại thành phố Tây Ninh

Hai đơn vị tặng quà lưu niệm. Tiếp đoàn có ông Lê Minh...

Hiện thực hóa giấc mơ “sống Tây Ninh làm việc TPHCM” nếu có đường sắt nhẹ LRT?

Tập đoàn Sun Group mới đây đề xuất phát triển tuyến đại...

Tận dụng lợi ích của rau và cá

Mô hình Aquaponics với diện tích 30m2 tại Ban CHQS xã Long...

Tuỳ thuộc hiệu quả hoạt động ngân hàng

Gần đây, người dân tại một số địa phương trên địa bàn...

Tây Ninh thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch

Đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh hút khách du lịch với...

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, xã...

Tin nổi bật

Tin mới nhất