Kỳ công chế tác linh vật huyền thoại
Quá trình tạo ra rồng nhang là một hành trình sáng tạo không ngừng, từ những thử thách về vật liệu đến sự cải tiến kỹ thuật liên tục. Ít ai biết rằng, qua từng năm tháng, rồng nhang đã được hoàn thiện dần với những thay đổi ngày càng hiện đại, tự nhiên và đẹp mắt, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của đông đảo du khách và tín đồ từ khắp nơi.
Con rồng nhang đầu tiên được ra đời vào năm 1955, trong dịp khánh thành Toà thánh Tây Ninh. Lúc bấy giờ, các nghệ nhân đã sử dụng nguyên liệu đơn giản như mây tre để tạo hình cho linh vật. Những tấm vải, giấy được đắp lên thân rồng, nhang được cắm để tạo ra những đốm sáng huyền ảo trong suốt buổi biểu diễn. Cảnh tượng ấy khiến mọi người không khỏi say mê, ngẩn ngơ, khi chứng kiến con rồng uốn lượn.
Tuy nhiên, việc sử dụng mây tre gặp phải vấn đề về độ bền, những con rồng nhang này nhanh chóng bị hư hỏng và các nghệ nhân phải thay thế liên tục. Để giải quyết vấn đề này, các nghệ nhân đã tìm ra một giải pháp mới, chuyển sang sử dụng kẽm. Cùng với sự phát triển của kỹ thuật, rồng nhang không ngừng thay đổi và cải tiến. Đặc biệt là trong những năm gần đây, kỹ thuật chế tác đầu rồng được nâng cấp.
Các nghệ nhân không còn dùng kẽm và sắt nặng nề, mà thay vào đó là nhôm – một chất liệu nhẹ nhàng và bền bỉ hơn. Việc sử dụng nhôm giúp đầu rồng linh hoạt hơn, giảm bớt gánh nặng cho những người biểu diễn, đồng thời tạo ra những chuyển động uyển chuyển, sống động hơn.
Quá trình hình thành và phát triển của rồng nhang không chỉ là một câu chuyện về kỹ thuật, mà còn là một hành trình gắn liền với đức tin, sự sáng tạo và sự phát triển của đạo Cao Đài. Mỗi lần rồng nhang uốn lượn, người dân và du khách không chỉ chứng kiến một màn biểu diễn nghệ thuật, mà còn cảm nhận được sự linh thiêng và huyền bí của nền đạo trăm năm. Với mỗi cải tiến, rồng nhang càng trở nên chân thực, mạnh mẽ hơn, mang đến cho tất cả những ai chiêm ngưỡng một cảm giác không thể quên, khắc sâu trong tâm trí.
Nét văn hoá được gìn giữ qua nhiều thế hệ
Múa rồng nhang không chỉ là một màn biểu diễn nghệ thuật, mà còn là sự kết hợp giữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo và lòng thành kính. Trong những ngày chuẩn bị cho Đại lễ Đức Chí Tôn, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã dành nhiều ngày tháng chăm chỉ luyện tập để mang đến một tiết mục ấn tượng phục vụ người dân, tín đồ.
Từ chiều mùng 4, các thành viên trong Ban Nhà thuyền Bát Nhã đã bắt đầu những buổi tập luyện. Đặc biệt năm nay, Đại lễ Đức Chí Tôn sẽ có sự xuất hiện của cặp “song long”, một điều mới mẻ và đầy thử thách đối với những người thực hiện. Mỗi con rồng dài 36m, đòi hỏi gần 50 người tham gia biểu diễn, 100 người đi theo hỗ trợ.
“Phần đầu có 7 người phụ trách, phần đuôi là 5 người. Phần thân chia thành nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn sẽ do 2 người đảm nhiệm”- anh Phan Trung Hiếu, thành viên của đội cho biết.
Ông Lê Văn Ngàn- Phó Cai quản thường trực Ban Nhà thuyền cho biết, trước những buổi múa chính lễ, các anh em trong đội sẽ tập hợp lại tập dượt, kết hợp thật ăn ý. Ngày tập, không chỉ có rồng nhang, mà các linh vật lân, quy, phụng cũng sẽ cùng “luyện võ” đến khi mọi động tác, điệu bộ thật nhuần nhuyễn, hài hoà.
Những buổi tập luyện không chỉ là thử thách về thể lực mà còn là bài kiểm tra về tinh thần đoàn kết. Mỗi thành viên trong nhóm đều phải làm việc ăn khớp, phối hợp nhịp nhàng để tạo ra tiết mục biểu diễn hoàn hảo. Từng động tác, từ những bước đi uyển chuyển đến các cú uốn lượn, đều được tính toán kỹ lưỡng để không chỉ đẹp mắt mà còn tôn vinh vẻ huyền bí, linh thiêng của con rồng.
Anh Huỳnh Thanh Việt (phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành) là thành viên của đội Lân mã. Anh cho biết, gia đình anh có ông nội, ba anh đều tham gia múa lân trong Toà thánh. Hai năm nay, anh cũng theo truyền thống gia đình. Để múa đẹp, thể hiện được thần thái của một con Long mã, mỗi chủ nhật anh đều cùng đồng đội tập luyện. Dịp lễ Vía Đức Chí Tôn, anh cũng tham gia biểu diễn.
“Múa Long mã, người đứng đầu phải khổ luyện để có thể 1 tay chịu đầu lân, một tay điều khiển cằm của linh vật và phải nhảy ra điệu bộ. Người múa phần đuôi tuy nhẹ hơn, nhưng cũng phải tập nhảy sao cho từng bước từng nhịp khớp nhau với người múa phần đầu”, anh Việt chia sẻ.
Múa rồng nhang còn đặc biệt hơn bởi sự kết hợp hài hoà giữa các linh vật tứ linh: long, lân, quy, phụng, cùng những màn phun lửa ấn tượng, tạo nên không gian rực rỡ và huyền bí cho Toà thánh. Cùng hoà với tứ linh, đi phía sau, là những tiết mục biểu diễn hấp dẫn của những chú lân, ông địa, của thầy trò Đường Tăng, chim hạc… Mỗi đội đều thể hiện những nét đặc sắc, ưu tú nhất của mình để dâng lên Đấng tối cao lòng thành kính của con dân dưới thế.
Anh Huỳnh Vĩnh Phúc- Đội trưởng Đội lân sư rồng Toà thánh Tây Ninh cho biết, đội của anh gồm 3 chú lân với 3 sắc màu xanh, vàng, đỏ theo nguyên lý “tam thanh” của đạo Cao Đài. Đội lân được thành lập từ năm 1998. Gần 30 năm qua, cứ đến mùa đại lễ, các thành viên trong đội lại tập trung về nhà riêng của anh ở khu phố Long Đại, phường Long Thành Bắc, cùng tập luyện, sẵn sàng cho đêm diễn.
“Anh em trong đội mỗi người một nơi, có người ở Châu Thành, có người ở Tân Châu, Tân Biên… Dù xa xôi nhưng cứ đến ngày lễ, anh em lại tập trung cùng nhau biểu diễn. Được biểu diễn trong các kỳ đại lễ với anh em là niềm hạnh phúc lớn lao. Mọi người cố gắng thể hiện những chú lân linh hoạt, vui nhộn để mang đến cho đồng bào, tín đồ gần xa những trải nghiệm thú vị khi về Tây Ninh xem lễ”, anh Phúc chia sẻ.
Được chiêm ngưỡng rồng nhang uốn lượn trong ánh sáng lung linh mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Anh Nguyễn Tuấn Minh (thị xã Hoà Thành) bày tỏ: “Mỗi lần xem múa rồng nhang, tôi đều cảm thấy rất tự hào. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được ba mẹ dẫn đi xem múa rồng nhang mỗi dịp lễ. Không khí vừa linh thiêng, vừa rộn ràng của múa rồng nhang đã trở thành một phần ký ức đẹp, gắn liền với tuổi thơ của tôi”.
Qua năm tháng tồn tại và phát triển, múa rồng nhang đã trở thành một hoạt động văn hoá truyền thống, niềm tự hào gắn liền với đời sống tinh thần của người dân Tây Ninh.
Hoà Khang – Khải Tường
Nguồn: https://baotayninh.vn/ve-tay-ninh-xem-mua-rong-nhang-a186009.html