Powered by Techcity

Không chạy theo thành tích


Gìn giữ và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Cấp uỷ, chính quyền các cấp luôn xác định phong trào là một trong những trọng tâm gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Các tầng lớp nhân dân cũng tích cực tham gia, hưởng ứng. Toàn tỉnh triển khai thực hiện 10 phong trào, các cuộc vận động, chương trình; qua đó lan toả phong trào từ thành thị đến nông thôn, cộng đồng các  tôn giáo, dân tộc, LLVT.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, phong trào đã trở thành hoạt động thường xuyên ở cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Những điểm sáng

Theo ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Tây Ninh có điểm sáng là khai thác du lịch kết hợp đặc trưng văn hoá, tín ngưỡng. UBND tỉnh ban hành kế hoạch để từng bước nâng cao ý thức người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động du lịch. Đây cũng là một trong các tiêu chí xây dựng văn hoá.

Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Gò Dầu – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH Lê Văn Hiệp cho biết, phong trào Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Nổi bật là các hoạt động gắn kết tình làng nghĩa xóm, thực hiện các tuyến đường xanh – sạch – đẹp. Đặc biệt, các phong trào văn hoá, văn nghệ được phát triển rộng rãi.

Cũng theo ông Hiệp, tại huyện Gò Dầu, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các thiết chế văn hoá đều được trang bị bảo đảm theo quy định; mỗi xã đều có Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng, hoạt động theo chức năng quy định.

Ngoài ra, một trong những phong trào được người dân địa phương tích cực tham gia là đờn ca tài tử. Nhất là từ khi Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Tây Ninh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và được sự quan tâm phát triển của chính quyền các cấp, đờn ca tài tử ngày càng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều người.

Lễ cầu an của đồng bào Chăm Tây Ninh. Ảnh: Đồng Huỳnh

Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần xây dựng đời sống văn hoá ổn định, giữ vững an ninh trật tự. Người dân, nhất là giới trẻ, được tạo sân chơi tốt, lành mạnh sẽ dần tránh xa các tệ nạn.

Phong trào “Điểm sáng văn hoá đường biên” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện hiệu quả. Theo Đại tá Nguyễn Văn Dũng- Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các chương trình Con nuôi đồn biên phòng, Nâng bước em đến trường, Chắp cánh ước mơ, xoá đói giảm nghèo, Đồng hành cùng phụ nữ biên cương đã giúp bà con vùng biên giới ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh biên giới.

Ngày càng thực chất

Vừa qua, tại buổi làm việc cùng đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào TDĐKXDĐSVH, ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở VH,TT&DL thẳng thắn nhìn nhận hiện nay 94/94 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng trên toàn tỉnh hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu thực hiện phong trào giảm so với năm 2023. Nhưng theo Giám đốc Sở VH,TT&DL, đây chưa hẳn là điều không tốt.

Bởi vì, nhìn nhận theo hướng tích cực, việc này chứng tỏ phong trào ngày càng đi vào thực chất, sát sao với đời sống thực tiễn hơn. Có đi vào thực chất, nhìn thẳng vấn đề để xử lý thì mới giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tỉnh kiên quyết không chạy theo thành tích, hướng đến xây dựng hình ảnh Tây Ninh nghĩa tình, văn minh.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo luôn tiếp thu những ý kiến đóng góp, thay đổi phù hợp và linh hoạt, sáng tạo trong phát triển phong trào. Tỉnh cũng đã có sự quan tâm, nâng cao chất lượng kết hợp phát huy công năng sử dụng các thiết chế văn hoá từ cơ sở như: thực hiện mô hình nhà văn hoá liên ấp, tăng kinh phí hoạt động, lồng ghép sinh hoạt chính trị của các đoàn thể, điều chỉnh bố trí nhân lực quản lý cho phù hợp thực tế.

Giám đốc Sở VH,TT&DL Trần Anh Minh cũng kiến nghị với đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương đề xuất các bộ, ngành có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn- nhất là trong việc kêu gọi xã hội hoá để phát huy công năng các thiết chế văn hoá cơ sở.

Văn hoá dân tộc Thái tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu.

Đối với di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh là đờn ca tài tử, tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ phát triển, toàn tỉnh hiện có 114 CLB.

Đờn ca tài tử đã được đưa vào khai thác du lịch thông qua biểu diễn trên đỉnh núi Bà vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần cũng như tham gia các hoạt động giao lưu với các tỉnh. Theo Giám đốc Sở VH,TT&DL Trần Anh Minh, năm 2025, Sở sẽ phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa đờn ca tài tử vào dạy trong trường học. Cách làm này được kỳ vọng sẽ góp phần khơi gợi sự yêu thích đối với bộ môn nghệ thuật trong thế hệ trẻ.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nhung- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo, trưởng đoàn kiểm tra đánh giá cao kết quả thực hiện các nội dung trong phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh. Bà cũng ghi nhận việc chấp nhận giảm tỷ lệ một số chỉ tiêu theo hướng tích cực của Tây Ninh để hướng tới hiệu quả thực tế của phong trào chứ không chạy theo hình thức.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Bộ Giáo dục và Đào tạo, trưởng đoàn kiểm tra đề nghị Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục quán triệt nghiêm túc, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Chính phủ về phong trào cũng như các chỉ đạo về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hoá. Ban Chỉ đạo tỉnh cần tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp của các sở, ban, ngành là thành viên để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm triển khai thực hiện phong trào được thông suốt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Vi Xuân



Nguồn: https://baotayninh.vn/khong-chay-theo-thanh-tich-a182948.html

Cùng chủ đề

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất