Hiện nay, Sở GTVT từng bước hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của ngành tích hợp, chia sẻ, mở dữ liệu để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng và phục vụ điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; phối hợp triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin đang vận hành sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Sở GTVT cho biết, hiện đơn vị tiếp tục vận hành, sử dụng hiệu quả các phần mềm, ứng dụng do Sở chủ trì thiết kế, triển khai gồm: phần mềm Quản lý, tra cứu thông tin hoạt động xe buýt; phần mềm “Quản lý hoạt động cảng, bến thuỷ nội địa”; ứng dụng “Tra cứu thời hạn giấy phép lái xe”, nhắn tin tự động hạn đổi giấy phép lái xe…
Sở tuyên truyền, hướng dẫn để khuyến khích người dân sử dụng ứng dụng Go!Bus Tây Ninh, đây là ứng dụng cung cấp thông tin về lịch trình, các trạm dừng, bản đồ của các tuyến xe buýt tại Tây Ninh, giúp hành khách thuận tiện trong việc sử dụng xe buýt hằng ngày.
Đơn vị nghiên cứu, xây dựng nền tảng số quản lý dữ liệu không gian về kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng nền tảng số mô hình thông tin xây dựng BIM trong quản lý, giám sát xây dựng công trình giao thông.
Đối với chỉ số PAR INDEX (chỉ số cải cánh hành chính), Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính ban hành mới, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đường bộ và đường thuỷ nội địa, đăng kiểm thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành GTVT thực hiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời công khai, minh bạch, cập nhật đầy đủ các quy trình thủ tục hành chính lên hệ thống Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đơn vị cũng bố trí công chức am hiểu về chuyên môn, hướng dẫn tận tình tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, đồng thời được cập nhật chuyên môn, am hiểu quy trình tiếp nhận, giải quyết với tinh thần trách nhiệm, kỹ năng ứng xử tốt để hướng dẫn, giải đáp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, Sở phát huy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp và hướng dẫn thực hiện quy định, chính sách trên các kênh thông tin, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Trong hoạt động tiếp xúc với tổ chức, doanh nghiệp, lồng ghép các nội dung truyền thông, giới thiệu về quy hoạch, cơ chế, chính sách lĩnh vực GTVT và các tiện ích trong quá trình chuyển đổi số của ngành GTVT.
Đối với chỉ số SIPAS (chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân), Sở tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại với tổ chức, doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến để được giải đáp kịp thời, thoả đáng. Các kiến nghị vượt thẩm quyền của tỉnh, đơn vị kịp thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương hướng dẫn giải quyết.
Theo Sở GTVT, trong năm 2025, Sở tăng cường các hoạt động và biện pháp truyền thông để các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận về quy hoạch, cơ chế, chính sách ngành GTVT; phát huy các giải pháp và hiệu lực thi hành các chính sách lĩnh vực của ngành GTVT, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các tổ chức doanh nghiệp và ưu tiên phát triển, chia sẻ dữ liệu của ngành; thường xuyên rà soát giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền và kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây lãng phí thời gian cho doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao chất lượng Cổng thông tin điện tử của Sở để cung cấp các thông tin liên quan một cách chủ động, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khai thác thông tin của tổ chức, doanh nghiệp.
Nhi Trần
Nguồn: https://baotayninh.vn/cai-thien-nang-cao-cac-chi-so-par-index-sipas-linh-vuc-giao-thong-van-tai-a182757.html