Thực tế hiện nay, sức mua tại hầu hết các chợ truyền thống ngày càng giảm, nhiều tiểu thương phải thu hẹp quy mô kinh doanh, mặc dù chợ truyền thống luôn là lựa chọn hàng đầu của người dân. Chính vì vậy, cần phải thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cấp hạ tầng các chợ, từ đó mới phát triển chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, bắt kịp với xu hướng ngày càng phát triển của xã hội.
Quan tâm xây mới, sửa chữa chợ truyền thống
Từ trước đến nay, chợ truyền thống là sự lựa chọn chính trong hoạt động mua sắm hằng ngày của người dân, vì sự thuận tiện, giá cả phải chăng. Sở Công Thương cho biết, thời gian qua, công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống chợ đã góp phần đáng kể trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hoá, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của nhân dân, nhất là góp phần phát triển mạnh mẽ lĩnh vực thương mại, dịch vụ và tạo nguồn thu ngân sách cho từng địa phương.
Đầu tư nâng cấp chợ Bến Sỏi (xã Thành Long, huyện Châu Thành).
Theo Sở Công Thương, năm 2024, tỉnh có 21 chợ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, trong đó, có 4 chợ đầu tư xây dựng mới, 3 chợ đầu tư xây dựng mới (trên nền chợ cũ), 13 chợ cải tạo, nâng cấp và 1 chợ di dời.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã khởi công cải tạo nâng cấp 6 chợ với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 5,9 tỷ đồng, trong đó chợ Tân Hiệp (huyện Tân Châu) với nguồn vốn đầu tư là 509 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện; chợ Thạnh Đức (huyện Gò Dầu) với nguồn vốn đầu tư là 876 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách xã; chợ khu phố 4 với nguồn vốn đầu tư là 912 triệu đồng, chợ Long Vĩnh (huyện Châu Thành) với nguồn vốn đầu tư là 505 triệu đồng, chợ Bến Sỏi (huyện Châu Thành) với nguồn vốn đầu tư là 699 triệu đồng, chợ Phước Vinh (huyện Châu Thành) với nguồn vốn đầu tư là 2.414 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng chợ Thanh Phước (huyện Gò Dầu), đến nay đã hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Theo UBND xã Thành Long, người dân và các tiểu thương chợ Bến Sỏi (xã Thành Long, huyện Châu Thành) vô cùng phấn khởi khi chợ được đầu tư nâng cấp các hạng mục như: sửa chữa nhà lồng chợ, sửa chữa nhà vệ sinh, xây mới nhà kiosk, làm mới sân nền, làm mới hệ thống điện nước. Khi chợ sửa chữa hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ phục vụ tiêu chí số 7 xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu nhu yếu phẩm và hoạt động giao thương của người dân trong khu vực.
Chợ Biên giới, huyện Châu Thành.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương buôn bán rau tại chợ Bến Sỏi cho biết, trước đây chợ xuống cấp nặng gây khó khăn cho người bán lẫn người mua. Khi chợ được đầu tư khang trang, hiện đại, người dân trong khu vực vô cùng phấn khởi, hệ thống PCCC được bảo đảm, nhiều tiểu thương yên tâm buôn bán.
Còn chợ Biên Giới (xã Biên Giới, huyện Châu Thành) cũng được Nhà nước quan tâm xây mới, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng. Chợ được xây mới nhà lồng, đường đi bộ, hệ thống cấp nước và chiếu sáng, mương thoát nước và xây mới nhà vệ sinh chợ.
Được biết, chợ Biên Giới hình thành vào năm 2004, với 73 kiosk do các hộ kinh doanh tự xây. Trước và sau nhà lồng chợ, hai bên dãy kiosk có khoảng 100 hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Người dân xã Biên Giới cho biết, với nhiều năm hoạt động nhà lồng chợ ngày càng xuống cấp, mái tôn mục nát, hệ thống thoát nước trước và sau chợ đều tắc nghẽn… Việc Nhà nước quan tâm đầu tư xây mới chợ Biên Giới khang trang, hiện đại hỗ trợ cho người dân trao đổi buôn bán tại chợ thuận tiện hơn, đặc biệt là các tiểu thương yên tâm buôn bán phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực, cũng như người dân Campuchia qua lại giao thương.
Ngoài ra, chợ Phước Minh (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) hiện trạng đã xuống cấp, nhà lồng chợ mái gỉ sét, dột, hệ kèo gỉ sét, sân nền xung quanh ẩm thấp, không đủ diện tích cho tiểu thương buôn bán. Được Nhà nước quan tâm, chợ Phước Minh được đầu tư cải tạo, với tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Dương Minh Châu làm chủ đầu tư.
Nâng cao tỷ lệ không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống
Đến nay, toàn tỉnh có 108 chợ đang hoạt động (bao gồm cả chợ bán 1 buổi sáng, buổi chiều, chợ tạm, chợ tự phát), 13 siêu thị và 1 trung tâm thương mại. Hầu hết các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng… đều phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội và lưu thông hàng hoá của nhân dân địa phương.
Trên Cổng thông tin điện tử của Sở Công Thương, OA Zalo 1022, OA chuyển đổi số, Fanpage 1022 Tây Ninh, Cổng thông tin phản ánh hiện trường 1022 Tây Ninh có các nội dung tuyên truyền nổi bật liên quan đến chủ đề thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử như: Tây Ninh- Ngày hội “Không dùng tiền mặt” hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10.10.2023; chỉ cần smartphone để dự Ngày hội “Không dùng tiền mặt”; hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp viễn thông triển khai mô hình Chợ 4.0 tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh…
Ngoài ra, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng, Ban Quản lý các chợ chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại vận động, hỗ trợ, hướng dẫn tiểu thương sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay đã triển khai thực hiện thí điểm chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ phường 3, kết quả có 100/410 hộ tiểu thương có mã QR thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Có 100% siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở mua sắm lớn, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh sử dụng mã QR, MPOS để khách hàng thanh toán, hạn chế không sử dụng tiền mặt khi mua hàng.
Theo Sở Công Thương, hiện nay còn một số chợ có hộ tiểu thương bày bán cặp lề đường, lấn chiếm lòng, lề đường và các khu vực xung quanh chợ để kinh doanh tự phát ảnh hưởng giao thông, mất mỹ quan. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế; ngân sách cấp huyện còn nhiều khó khăn trong việc đầu tư xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại.
Chính vì vậy, đơn vị tiếp tục khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng vào mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hạ tầng thương mại để phát triển đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện của huyện trong từng giai đoạn, vừa đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hoá, vừa hỗ trợ xuất khẩu.
Ngoài ra, do loại hình chợ truyền thống ở nông thôn nên tiểu thương sử dụng smartphone ứng dụng công nghệ thông tin quét mã QR để thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, ban quản lý các chợ chủ động phối hợp với các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện vận động tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn tiểu thương, người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trên địa bàn quản lý như quét mã QR của ngân hàng, sử dụng thẻ qua máy MPOS.
Nhi Trần
Nguồn: https://baotayninh.vn/cai-tao-cho-truyen-thong-phu-hop-voi-doi-song-dan-sinh-a181756.html