Những gam màu sáng
Tại hội thảo, đoàn công tác Học viện được nghe báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, từ năm 2021-2023, kinh tế Tây Ninh duy trì được tốc độ tăng trưởng, GRDP tăng bình quân 6,1%/năm.
Trong đó, năm 2022 kinh tế tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 9,2%. GRDP bình quân đầu người từ 3.190 USD năm 2020 tăng lên 3.930 USD vào năm 2023. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2021- 2023 tăng bình quân 5,7%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra, công nghiệp – xây dựng là khu vực giữ vai trò chủ lực; thương mại – dịch vụ là điểm sáng với sự bứt phá của lĩnh vực du lịch mà trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.
Ngành dịch vụ du lịch phục hồi và có mức tăng trưởng nhanh, khá cao cả về doanh thu du lịch và lượng khách tham quan. Nông nghiệp vẫn là kinh tế cơ bản, trong đó, tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi những vấn đề về nông nghiệp công nghệ cao với đoàn công tác Học viện.
Tỉnh chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, xác định ngoại lực là nguồn lực quan trọng để củng cố độc lập, tự chủ. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá cũng như có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng.
Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hoá có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng. Khuyến khích doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm tinh chế. Triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2021-2023 đạt 38.260 tỷ đồng và 2.235 triệu USD. Trong đó, thu hút mới 61 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 1.043 triệu USD và 134 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 32.312 tỷ đồng.
Nổi bật, có 5 dự án có tổng vốn đầu tư lớn 3.000 tỷ đồng trở lên, đang được triển khai thực hiện. Các thành phần kinh tế được tạo mọi điều kiện để phát triển, quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Tỉnh đã phê duyệt, ban hành Kế hoạch triển khai chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030.
Tặng “cần câu”, không cho “con cá”
Sau khi xem xét báo cáo kinh tế – xã hội của tỉnh, các thành viên đoàn công tác Học viện có 9 lượt ý kiến với mong muốn hiểu rõ hơn về thành tựu và định hướng phát triển của Tây Ninh. PGS.TS Nguyễn Hải Thanh- Viện Lãnh đạo học và Chính sách công cho biết, ông rất ấn tượng với thành tích phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và rất muốn biết thêm về quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp của Tây Ninh trong thời gian tới như thế nào?
TS Nguyễn Thanh Sơn- Viện Kinh tế chính trị học ấn tượng với những chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh. Ông hỏi thêm thông tin về ngành công nghiệp phụ trợ của Tây Ninh đã đáp ứng bao nhiêu phần trăm của ngành công nghiệp và tỷ trọng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở các khu công nghiệp đóng góp bao nhiêu sản lượng, sản phẩm, ngân sách cho tỉnh nhà?
GS.TS Lê Văn Lợi- Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh điều hành hội thảo
GS.TS Lê Văn Lợi- Phó Giám đốc Học viện đặt câu hỏi về những giải pháp, chính sách thu hút và đầu tư để phát huy tiềm năng những khu du lịch khác ngoài Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen gắn với an ninh xã hội? Công tác đối ngoại giao thương với nước bạn Campuchia v.v. Ngoài ra, thành viên đoàn công tác còn quan tâm đến cách giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh con thấp và dân số già hoá khá nhanh của Tây Ninh; chiến lược phát triển đặc sản cây trái…
Tại hội thảo, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao đổi thoả đáng những vấn đề các thành viên đoàn công tác Học viện quan tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cung cấp thêm một số thông tin về Tây Ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cung cấp thêm một số thông tin khái quát. Tây Ninh có vị trí mang tính chiến lược về an ninh quốc phòng, giàu truyền thống cách mạng, có dư địa đất đai lớn so với các tỉnh miền Đông. Tỉnh đang trình Chính phủ quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Tây Ninh có tiềm năng về các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, tôn giáo. Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen hiện nay trở thành 1 trong 5 điểm đến được yêu thích của cả nước trong 2 năm qua. Trên địa bàn tỉnh có công trình thủy nông nhân tạo lớn nhất Đông Nam Bộ, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho một số tỉnh, thành trong khu vực.
Tuy nhiên, kinh tế Tây Ninh có xuất phát điểm thấp. Sau ngày giải phóng, nền công nghiệp và đô thị của Tây Ninh gần như là con số không. Ngoài những lò mía đường thủ công, trên toàn tỉnh không có cơ sở sản xuất kinh doanh nào khác. Đến nay, mặc dù kinh tế Tây Ninh có tiến bộ nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Doanh nghiệp của Tây Ninh chủ yếu vừa và nhỏ; nguồn nhân lực cũng hạn chế.
Theo quan điểm của tỉnh, xác định tiềm năng lợi thế của tỉnh cũng là tiềm năng lợi thế của vùng, của quốc gia, từ đó, có giải pháp khai thác tiềm năng hợp lý, tránh lãng phí.
Tây Ninh không phát triển kinh tế – xã hội theo tư duy nhiệm kỳ. Tỉnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gắn kết các yếu tố quốc phòng – an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tập trung đầu tư các dự án có trọng tâm, trọng điểm, trong đó xem trọng kết cấu hạ tầng giao thông. Mặc dù hiện nay, Tây Ninh chưa có đường cao tốc, nhưng tỷ lệ đường nhựa hoá, bê tông hoá cao so với cả nước.
Để bảo đảm an sinh xã hội, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hiệu quả, các nhiệm kỳ qua, Tây Ninh luôn phát triển trên quan điểm cho người nghèo “cần câu” chứ không cho “con cá”, khuyến khích mọi người tự vươn lên trong cuộc sống. Tây Ninh có nhiều chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình cho người nghèo, người vừa thoát nghèo…
Đại Dương
Nguồn: https://baotayninh.vn/hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-tim-hieu-tinh-hinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-tay-ninh-a178102.html