Powered by Techcity

Kinh tế Tây Ninh- Những gam màu tươi sáng


Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh đã và đang nỗ lực không ngừng, quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch, hiện thực hoá chiến lược phát triển nhiều lĩnh vực.

Du lịch “vươn mình”

Một trong những điểm nổi bật nhất của Tây Ninh là phục hồi nền kinh tế, đầu tư vào du lịch, thực sự “đột phá” với hàng loạt lễ hội, sự kiện nổi bật như: Hội xuân núi Bà Đen năm 2024, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh mẫu, các hoạt động thể dục – thể thao… Mới đây, Tây Ninh tổ chức hội nghị ký kết thoả thuận hợp tác phát triển du lịch với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist Group) giai đoạn 2024-2029.

Du lịch Tây Ninh ước đạt 3,9 triệu khách trong 8 tháng đầu năm 2024.

Trong 8 tháng đầu năm 2024, du lịch Tây Ninh ước đạt 3,9 triệu khách, tăng 3,6% so cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.145 tỷ đồng, tăng 37,3% so cùng kỳ, đạt 93,3% so với kế hoạch. Tây Ninh đứng thứ 1 về tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam Bộ. Riêng trong tháng 8.2024, khách tham quan du lịch, điểm du lịch ước đạt 276,5 ngàn lượt khách, tăng 17,7% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 158 tỷ đồng, tăng 43,6% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, tỉnh tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, Tây Ninh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 6 tỉnh, thành phố nước ngoài; trong đó, tỉnh đã ký 2 bản Thoả thuận hợp tác với các địa phương của Hàn Quốc và 4 Thoả thuận hợp tác với các tỉnh thuộc Campuchia.

Những số liệu này cho thấy sự “vươn mình” của ngành du lịch, như một điểm sáng về văn hoá, du lịch cả nước, thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh Tây Ninh, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, phát triển đô thị…

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, theo UBND tỉnh, kế hoạch đến năm 2025, Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực. Nơi đây sẽ là tâm điểm để kết nối, lan toả du lịch địa phương nói riêng và cả khu vực Đông Nam Bộ nói chung. 

Trong giai đoạn 2021-2025, doanh thu du lịch sẽ đạt 9.000 tỷ đồng và khách tham quan du lịch đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh sẽ đóng góp trên 10% GRDP. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân từ 25% mỗi năm trở lên; phát triển, kết nối đồng bộ loạt điểm đến hấp dẫn ở Tây Ninh bao gồm: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam…

Tương lai gần, giai đoạn 2026-2030, tỉnh đặt mục tiêu doanh thu du lịch đạt 35.000 tỷ đồng, khách tham quan du lịch đạt 37 triệu lượt.

Hạ tầng giao thông nhiều khởi sắc

Việc công bố Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng tầm nhìn để phát triển cả vùng. Từ đó, giúp Tây Ninh và vùng Đông Nam Bộ khắc phục những điểm nghẽn. Đặc biệt, hàng hoá được sản xuất có thể nhanh chóng tiếp cận được thị trường quốc tế, thị trường khu vực. 

Người dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi mô hình và cách làm, tăng năng suất, từ đó tăng mức thu nhập. Công nghiệp phục hồi nhanh chóng và có mức tăng trưởng lớn. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng đã và đang được tích cực xây dựng. 

Cầu vượt đường Hồ Chí Minh qua quốc lộ 22. (Ảnh: Tâm Giang)

Một loạt giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm được đề ra, như: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Gò Dầu – Xa Mát, đường liên tuyến kết N8 – 878B – 789, cùng các dự án giao thông liên quan đến Khu du lịch núi Bà Đen…

Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 51 km, đoạn qua TP. Hồ Chí Minh là 24,66 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh 26,317 km. Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 22, hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường vành đai có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh; đồng thời phát triển chuỗi công nghiệp, đô thị Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh – cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài khi hoàn thành, không những sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân tỉnh Tây Ninh, mà còn tạo thành trục hành lang Đông – Tây; kết nối tỉnh Tây Ninh các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối với cao tốc Bavet- Phnom Penh của Campuchia. Sau khi hoàn thành, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài sẽ giảm thời gian vận chuyển hàng hoá của cả vùng để xuất nhập khẩu với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. 

Quốc lộ 22B, tuyến đường kết nối giữa tỉnh Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) thông qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh)

“Tây Ninh xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp và du lịch của Đông Nam Bộ và cả nước, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Đến năm 2050, tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.

Tăng tốc đầu tư phát triển

Theo UBND tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2024, các hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng phục hồi tốt, kinh tế tăng trưởng tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 8.422 tỷ đồng, đạt 75,9% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ. Tính đến 20.8, tỉnh đã giải ngân 1.611/4.147 tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 37,9% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến 31.8 đạt 1.737 tỷ đồng, đạt 41,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 40,9% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,43%, sản xuất công nghiệp đã dần phục hồi, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng. Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triến bền vững; sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định, đáp ứng tiến độ mùa vụ, diện tích cây trồng xuống giống tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi tiếp tục có xu hướng phát triển tốt, giá cả không biến động mạnh.

Thu hoạch lúa vụ Hè Thu.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có 707 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn 135.783 tỷ đồng. Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh cấp mới được 22 dự án, với số vốn thu hút hơn 115 triệu USD; 16 lượt điều chỉnh tăng vốn với vốn tăng 143 triệu USD. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 377 dự án đầu tư ngoài nước, với tổng vốn đăng ký 9.832 triệu USD. 

Gần đây nhất, ngày 27.8, đoàn công tác của tỉnh Tây Ninh do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Thanh dẫn đầu đã đến tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế thương mại Giang Tô (Trung Quốc) – Tây Ninh (Việt Nam) tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Diễn đàn nhằm giới thiệu những tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Tây Ninh, đặc biệt là đầu tư vào các khu kinh tế và khu công nghiệp.

Sự kiện đã tạo nền tảng để các nhà đầu tư Trung Quốc nghiên cứu, tìm hiểu sâu về môi trường đầu tư Tây Ninh, cũng là cơ hội lớn để đưa các chính sách, ưu đãi, lợi thế của khu công nghiệp đến gần với các nhà đầu tư tiềm năng, tạo đà cho sự hợp tác chặt chẽ, phát triển, tăng trưởng bên vững song phương trong tương lai.

Tỉnh Tây Ninh hiện có 6 khu công nghiệp đang hoạt động, với diện tích khoảng 3.500 ha, đã được lấp đầy gần 80% diện tích đất công nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, Tây Ninh có hơn 350 dự án FDI, vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD. Trong đó, có 75 dự án FDI của nhà đầu tư Trung Quốc, vốn đầu tư gần 5 tỷ USD (chiếm tỷ trọng trên 50%). 

Tâm Giang



Nguồn: https://baotayninh.vn/kinh-te-tay-ninh-nhung-gam-mau-tuoi-sang-a178052.html

Cùng chủ đề

Giá heo hơi hôm nay 15/1/2025: Biến động trái chiều

Khu vực miền Bắc Giá heo hơi hôm nay (15/1/2025) tại khu vực miền Bắc bất ngờ quay đầu giảm 1.000 đồng/kg tại các tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Mức giá bình quân được đưa mốc 69.000 đồng/kg, thấp nhất là 68.000 đồng và cao nhất là 70.000 đồng. Trong đó, các tỉnh như Thái Bình, Tuyên Quang giữ giá heo hơi cao nhất cả nước với 70.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung...

Cùng tác giả

Giá heo hơi hôm nay 15/1/2025: Biến động trái chiều

Khu vực miền Bắc Giá heo hơi hôm nay (15/1/2025) tại khu vực miền Bắc bất ngờ quay đầu giảm 1.000 đồng/kg tại các tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Mức giá bình quân được đưa mốc 69.000 đồng/kg, thấp nhất là 68.000 đồng và cao nhất là 70.000 đồng. Trong đó, các tỉnh như Thái Bình, Tuyên Quang giữ giá heo hơi cao nhất cả nước với 70.000 đồng/kg. Khu vực miền Trung...

Cùng chuyên mục

Tin nổi bật

Tin mới nhất