Vùng đất giáp biên hiện lên trong bộ ảnh của Nguyễn Tấn Tuấn đầy sắc màu với núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, rừng cao su thay lá…
Toàn cảnh núi Bà Đen nhìn từ những ô ruộng xanh mướt, điểm xuyết bởi cây thốt nốt. “Đệ nhất thiên sơn” Núi Bà Đen cao 986m, được xem là “nóc nhà” của vùng Nam bộ, là Di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia. Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Tuấn, hiện sống và làm việc tại TP HCM, thực hiện trong các lần về thăm nhà.
Núi Bà Đen là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Du khách lên núi bằng cáp treo tới thăm các di tích lịch sử, các ngôi chùa nhiều năm tuổi như Linh Sơn Tiên Thạch Tự, chùa Hang, Điện Bà và được nghe kể về truyền thuyết của Linh Sơn Thánh Mẫu, hay còn gọi là Bà Đen, được thờ trong thạch động.
Cáp treo núi Bà Đen khai trương đầu năm 2020. Cáp gồm 2 tuyến, tuyến Vân Sơn đưa du khách từ chân núi lên đỉnh Bà Đen. Tuyến Chùa Hang, nối từ chân núi lên chùa Bà Đen. Với diện tích 10.959 m2, ga cáp treo được Tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận là Nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới. Giá vé cáp treo khứ hồi lên đỉnh núi Bà Đen là 100.000 đồng với khách cao trên 1m4 và giảm nửa với trẻ em cao từ 1m đến 1m4.
Từ núi Bà Đen, du khách có thể quan sát thấy hồ Dầu Tiếng, cách TP Tây Ninh khoảng 25 km. Đây là hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, có diện tích mặt nước 27.000 ha với vai trò điều phối nước cho sông Sài Gòn và cung cấp nước cho các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của vùng.
Khu đầu mối của hồ nằm tại Dầu Tiếng, Bình Dương và Hớn Quản, Bình Phước, song lưu vực chủ yếu nằm trên địa phận huyện Dương Minh Châu và một phần trên địa phận huyện Tân Châu, Tây Ninh.
“Vịnh không sóng” Dầu Tiếng có cảnh quan đa dạng, từ cánh đồng lúa trải dài ngút tầm mắt cho đến cánh đồng sen, súng tỏa hương. Trong ảnh là cánh đồng súng trổ hoa rực rỡ gần hồ Dầu Tiếng. Đây là điểm đến không thể bỏ qua khi tham quan Tây Ninh.
Những con trâu nước di chuyển theo đàn đi tìm nguồn cỏ mới trên hồ Dầu Tiếng vào mùa nước cạn. Bức ảnh này lọt vào chung kết cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 17 của tạp chí Smithsonian Mỹ.
Những tấm pin sản xuất điện năng lượng mặt trời được đặt trên những trụ cột bê tông cao 6 – 8m thuộc nhà máy năng lượng điện mặt trời bên vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng.
Cách núi Bà Đen và hồ Dầu Tiếng không xa là các cánh rừng cao su bạt ngàn. Cảnh vật nơi đây đẹp nhất khi cả khu rừng bước vào mùa thay lá từ cuối tháng 12 đến tháng 3 hàng năm.
Cây cao su trưởng thành có thể cao 30 m, có tầm quan trọng kinh tế là mủ cao su, chất lỏng chiết ra tựa như nhựa cây, dùng để sản xuất cao su tự nhiên. Bức ảnh này chụp tại tuyến đường qua xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu.
Ngoài chụp ảnh phong cảnh, tác giả cũng ghi lại nhịp sống đời thường và cảnh sinh hoạt tại các làng nghề khác tại Tây Ninh.
Nón lá là một phần cuộc sống của người Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh có các điểm sản xuất nón như làng nghề phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh và xóm nón lá tại phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng.
Trong ảnh là cụ bà trong bộ áo bà ba ngồi đan nón lá tại phường Ninh Sơn. “Bà cụ với khuôn mặt phúc hậu đang cẩn thận xếp từng lá cọ lên bộ khung để khâu gây ấn tượng với tôi”, anh Tuấn cho biết.
Phơi ớt tại Trảng Bàng. Ớt phơi khô sau đó được chế biến muối ớt, một đặc sản của tỉnh Tây Ninh.
Những miếng bột khoai lớn tạo màu và không tạo màu được phơi tại ấp Long Thành, xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành. Sau khi bột khô, được đưa vào máy xắt nhuyễn thành từng sợi nhỏ.
Người phụ nữ phơi hương trên những kệ dài tại khu phố Long Tân, phường Long Thành Bắc, Hòa Thành. Nhang Tây Ninh mang màu vàng hoặc nâu, không cuộn tròn từng bó.
Nghề nung chén đựng mủ cao su tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Sau khi cho sét mịn trong khuôn, chén đem phơi nắng cho thật khô và tháo ra khỏi khuôn (ảnh) trước khi cho vào lò nung.
Tây Ninh có 12 nhóm ngành nghề truyền thống khác nhau: từ làm bánh tráng, muối ớt, sản phẩm mây tre, làm nhang, mộc gia dụng, làm nón lá, rèn, may cho tới sản xuất gạch, cơ khí, chế biến khoai mì và chế biến nông – lâm – thủy sản.
Nguyễn Tấn Tuấn – Huỳnh Phương