Là tay vợt số 1 Việt Nam trong 6 năm qua và đã có lần thứ hai dự Olympic, Nguyễn Thùy Linh vẫn luôn cảm thấy còn nhiều cột mốc đang chờ đón cô.
Nguyễn Thùy Linh, sinh năm 1997 tại Phú Thọ. “Lúc tôi 9 tuổi, sau mỗi giờ học, ông ngoại đến đón và đưa tôi ra các sân cầu lông cộng đồng. Tôi nhìn thấy người ta đánh thì thích, ước ao sau này mình sẽ đánh giỏi được như thế.
Ông thấy tôi yêu thích cũng như bộc lộ nhiều tố chất nên đã đề ra những cột mốc cho tôi tập luyện. Mỗi lần tôi vượt qua được, ông sẽ thưởng bánh kẹo, dẫn đi ăn chè. Dần dần như thế, tôi được ông cho phép theo con đường VĐV chuyên nghiệp”, Thùy Linh kể.
Gian nan những ngày đầu
Năm 10 tuổi, Thùy Linh xuống Hà Nội theo học lớp năng khiếu của HLV Dương Thị Liên. Cô nhanh chóng phát tiết tài năng ở cấp độ học đường. Tuy nhiên, những chiếc huy chương chưa đủ để thuyết phục mẹ của Thùy Linh chấp nhận cho cô con gái cả đi theo cầu lông.
Thùy Linh kể: “Mẹ cấm kịch liệt tôi chơi thể thao. Trong mắt mẹ, con gái phải thướt tha váy đầm, học đàn chứ không phải là đi theo nghiệp quần đùi áo số. Năm 12 tuổi, tôi phải bỏ cầu lông. Sau đó, mẹ bất ngờ bệnh nặng và qua đời. Gia đình mới họp lại có nên cho tôi theo cầu lông tiếp không. Khi đó tôi 14 tuổi, tự hứa với gia đình rằng tôi sẽ thành công. Vì chỉ có như vậy, tôi mới không cảm thấy có lỗi với mẹ”.
Ngay sau khi trở lại với thể thao chuyên nghiệp, Thùy Linh ngay lập tức tạo dấu ấn với HCV giải trẻ toàn quốc, được tập trung đội tuyển quốc gia và tham gia giải thế giới. Nhưng biến cố lại ập tới.
Năm 15 tuổi, Thùy Linh mất đi chỗ dựa tinh thần lớn nhất khi ông ngoại qua đời. “Tôi không kịp nghe những lời dặn dò cuối của ông. Khoảnh khắc đó tôi luôn nhớ và trở thành động lực cho tôi vượt lên mỗi khi gặp khó khăn sau này”, cô chia sẻ.
Hành trình đến vị trí số 1 Việt Nam
Thời điểm Thùy Linh nổi lên như một tài năng trẻ sáng giá, làng cầu lông Việt Nam được thống trị bởi Vũ Thị Trang. Đây cũng chính là “ngọn núi” đầu tiên mà Thùy Linh đặt mục tiêu phải vượt qua.
Cô kể về một trong những bước ngoặt lớn đã làm thay đổi bản thân: “Có một lần tôi gần như đã có cơ hội được đấu với chị Trang. Nhưng chưa tới được trận đó thì đã thua. Tôi chán nản, khóc và bỏ tập liên tục. Bà ngoại gọi khuyên về học văn hóa, lương thể thao mấy triệu đồng cũng chả hơn được làm công nhân ở quê. Tôi suy nghĩ và nhận ra cầu lông đã là đam mê, là cái nghề của tôi. Nếu muốn có thành quả, tôi phải tự vạch ra con đường hợp lý cho mình và quan trọng là phải luôn cố gắng”.
Năm 2014, danh hiệu đầu tiên đã đến với Thùy Linh với HCĐ đơn nữ tại Đại hội thể thao toàn quốc. Một năm sau, cô vô địch Giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc và được chọn thi đấu SEA Game 28. Hai năm 2016 và 2017 là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Thùy Linh khi lần lượt vô địch các giải series tại Nepal, Mông Cổ, Lào để lần đầu tiên lọt top 100 thế giới.
“Đặc biệt nhất là danh hiệu tại giải Challenge ở Ý năm 2017, quy tụ nhiều VĐV trong top 30 thế giới. Sau khi tôi liên tiếp vô địch, các HLV và chuyên gia đánh giá tiềm năng của tôi có thể tiến xa hơn nữa”, Linh nói.
Năm 2018, Thùy Linh chính thức bước lên ngôi vị số 1 cầu lông nữ Việt Nam khi giành chiến thắng trước đàn chị Vũ Thị Trang tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018 và sau đó giành HCV.
Những năm tiếp theo, Thùy Linh liên tục tạo dấu ấn tại các giải đấu quốc tế, thăng tiến nhanh trên bảng xếp hạng thế giới với vị trí cao nhất là hạng 20 vào tháng 11-2023.
Vẫn muốn tiến xa hơn nữa
Nhớ lại hành trình đã qua, Thùy Linh không tin bản thân có thể vượt lên được những khó khăn, thách thức.
Cô tâm niệm: “Cuộc sống như leo núi. Tôi tự nhủ không thể dừng lại, phải nỗ lực leo chắc chắn từng bậc thang rồi sẽ có ngày lên được đỉnh. Tôi cảm thấy mình là một VĐV rất may mắn, rất ít khi cảm giác cô đơn hay bị bỏ lại phía sau. Dù có thể là chỉ một mình trên hành trình đi thi đấu, nhưng tôi đã được hỗ trợ khá đầy đủ từ Nhà nước và các đơn vị tài trợ”.
Về lần thứ hai dự Olympic, Thùy Linh thẳng thắn nói: “Tôi cố gắng không cho mọi người thấy được bản thân có bất ổn với điều gì. Vì không nằm trong nhóm hạt giống, tôi sẽ phải gặp một trong số 12 tay vợt mạnh nhất. Dù sao tôi vẫn cần chuẩn bị tốt nhất cho Olympic. Tôi có thể thua trước đối thủ mạnh hơn, nhưng không được phép thua chính bản thân mình”.
Xen kẽ giữa thời gian tập luyện, Thùy Linh có sở thích thiền và đọc sách về tâm linh. Điều này đang giúp cô giữ được trạng thái tinh thần ở mức tốt để sẵn sàng với những thử thách tiếp theo trong sự nghiệp.
Thông tin về Thùy Linh
Nguyễn Thùy Linh, sinh năm 1997 tại Phú Thọ. Cô tập cầu lông từ năm lên 9 tuổi và bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ năm 14 tuổi. Trong sự nghiệp, cô từng giành nhiều huy chương các loại trong màu áo các đơn vị Hà Nội, Đà Nẵng và Đồng Nai.
– Đại hội thể thao toàn quốc: 1 HCĐ 2014; 2 HCV 2018, 2022
– SEA Games: HCĐ SEA Games 2021 đồng đội nữ
– Tham dự Olympic: 2020 và 2024
– Thứ hạng thế giới: hạng 22 (tính đến tháng 7-2024). Thứ hạng cao nhất là 20 vào tháng 11-2023.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/tay-vot-nguyen-thuy-linh-cuoc-song-cung-nhu-leo-nui-20240721103936906.htm