Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn cho biết, sau gần 13 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định từng bước khởi sắc. Từ một huyện trung du, khó khăn Tây Sơn đã từng bước trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản phẩm của huyện Tây Sơn đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm theo giá trị sản phẩm đạt 6,3%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách của huyện hàng năm đều đạt và vượt dự toán tỉnh giao.
Thu nhập bình quân đầu người ở huyện Tây Sơn đạt hơn 47 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 3,57%. Toàn huyện có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một thị trấn đạt các tiêu chí đô thị văn minh.
Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng chia sẻ, Tây Sơn được xác định là một trong những địa bàn nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền giữa cảng Quy Nhơn với vùng Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện trở thành một trong những khu vực phát triển sâu về lĩnh vực công nghiệp. Huyện luôn xác định “công nghiệp là trụ cột, nông nghiệp là bệ đỡ, du lịch là mũi nhọn” để phát triển thế mạnh của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bình Định đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt được những thành tích đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Từ một huyện trung du, địa hình phức tạp, điều kiện địa hình không được thuận lợi nhưng lãnh đạo huyện Tây Sơn đã lãnh đạo nhân dân toàn huyện có 14/14 đạt 100% xã nông thôn mới. Đây là một thắng lợi bước đầu nhưng hết sức to lớn, đánh dấu một kỳ tích của huyện nhà.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông mới là niềm vui lớn, tuy nhiên huyện phải phấn đấu đạt được nông thôn mới kiểu mẫu để có niềm vui lớn hơn.
“Xây dựng tư duy mới. Ví dụ như việc bây giờ mở một con đường rộng 7m đã thấy to lắm. Nhưng vài năm nữa lại trở nên chật hẹp, khi đấy muốn mở rộng ra lại vướng công trình, nhà cửa rất tốn kém. Do đó, tư duy mới phải đặt ngay từ vấn đề quy hoạch”, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nói.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, địa phương phải phát triển nông nghiệp có năng suất cao, phải đi vào phương thức hiện đại, áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin và số hóa. Trong công nghiệp, chúng ta phải phát triển được khu công nghiệp.
“Ở huyện Tây Sơn có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để phát triển được các khu công nghiệp công nghệ cao. Bởi vì chúng ta ở đây rất gần sân bay, mà sân bay Phù Cát sẽ trở thành sân bay quốc tế. Do đó có đầy đủ điều kiện để xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi rất mong và tin tưởng một ngày không xa nữa, quê hương của hoàng đế Quang Trung anh hùng dân tộc sẽ là hình ảnh kiểu mẫu nông thôn mới của Việt Nam”, Phó thủ tướng kỳ vọng.
Cũng trong sáng 1/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và thành viên Đoàn công tác đến dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn) và dâng hương tại Di tích Mộ hiển Tổ khảo Tây Sơn Tam kiệt (ông nội của ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và được vua Thái Đức – Nguyễn Nhạc phụng lập năm 1779).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/pho-thu-tuong-tay-son-du-dieu-kien-phat-trien-cong-nghiep-cong-nghe-cao-nho-gan-san-bay-192241001134442358.htm