Sau hơn 12 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), tỉnh Tây Ninh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần mang lại những đổi thay nhanh chóng và rõ nét về diện mạo kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn.
Chương trình không chỉ cải thiện đời sống vật chất mà còn nâng cao tinh thần cho người dân, đồng thời bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng được giữ vững và ổn định.
Thành tựu nổi bật
Tính đến nay, tỉnh Tây Ninh đã có 65 trong tổng số 71 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Sớm nhất là thị xã Hoà Thành đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022. Thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận.
Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh hoàn thành các mục tiêu: 71 xã đạt chuẩn NTM (100%), 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM (Bến Cầu) năm 2024.
Những con số này phản ánh rõ rệt sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các tiêu chí NTM, nhằm tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho người dân.
Sự thay đổi không chỉ nằm ở số lượng xã đạt chuẩn mà còn ở chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Sau khi chương trình được triển khai, đời sống của người dân đã được nâng cao đáng kể. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh duy trì ở mức 5% mỗi năm, cho thấy sức sống và tính bền vững của nền kinh tế nông thôn.
GRDP bình quân đầu người đã tăng từ 3.190 USD vào năm 2020 lên 3.690 USD vào năm 2022, điều này cho thấy thu nhập bình quân đầu người được cải thiện rõ rệt. Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cũng đã được bảo đảm, kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách và những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Chương trình NTM tại Tây Ninh chính là việc cải thiện hạ tầng cơ sở. Các tuyến đường giao thông nông thôn được nâng cấp và mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực.
Tổng số đường giao thông nông thôn được đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2023 là 4.237km, tăng 1.094 km so với giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, đầu tư xây dựng mới 3.007 km, cải tạo, sửa chữa 1.230 km.
Việc xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, cũng như nâng cấp hệ thống điện lưới nông thôn được đặc biệt quan tâm. Hệ thống điện lưới nông thôn đã được cải tạo và từng bước nâng cấp theo hướng an toàn, tin cậy và ổn định, bảo đảm mỹ quan.
Đến nay, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,4%, điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhiều mô hình sản xuất được chuyển đổi theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống, với các sản phẩm đặc trưng địa phương, với 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.
Bảo tồn văn hóa và môi trường nông thôn
Chương trình NTM cũng chú trọng đến việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của các địa phương. Các hoạt động văn hóa, thể thao được khuyến khích, tạo ra sân chơi lành mạnh cho người dân, đồng thời giữ gìn các phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng. Các lễ hội truyền thống, hoạt động văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
Về môi trường, cảnh quan nông thôn được cải thiện rõ rệt. Các xã đã thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, duy trì hệ thống thoát nước và các khu vực công cộng xanh – sạch – đẹp. Việc phát động các phong trào bảo vệ môi trường, trồng cây xanh cũng đã được thực hiện tích cực, góp phần tạo ra một môi trường sống trong lành và an toàn cho người dân.
Chương trình NTM không chỉ mang lại những lợi ích về kinh tế và môi trường mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính quyền các cấp đã chú trọng đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại các địa phương. Sự ổn định về chính trị, xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra thuận lợi.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Tây Ninh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khu vực nông thôn. Những kết quả đạt được trong 12 năm qua không chỉ là thành tựu của một chương trình mà còn là nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của cộng đồng và sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp.
Với những đổi thay tích cực về diện mạo kinh tế – xã hội, đời sống người dân được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, Tây Ninh đã tạo được nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo. Sự ổn định và phát triển bền vững của khu vực nông thôn không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân mà còn tạo động lực cho sự phát triển chung của tỉnh Tây Ninh trong tương lai.
Hoàng Thọ
Nguồn: https://vtcnews.vn/tay-ninh-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-ar904460.html
Bình luận (0)