Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định Tây Ninh sẵn sàng thay đổi tư duy đột phá, sẵn sàng đón “sóng” đầu tư trong đó nhận diện tiềm năng, lợi thế ở góc độ của tỉnh nhưng mang tầm của quốc gia, khu vực. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024 là cơ sở để tạo ra động lực mới trong phát triển kinh tế – xã hội đưa Tây Ninh trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư công trung hạn trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ trao quyết định quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Tây Ninh |
Quy hoạch tỉnh cũng xác định phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội theo “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”. “3 vùng phát triển” gồm vùng phát triển công nghiệp, đô thị dịch vụ; vùng trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch và vùng phát triển nông nghiệp. “4 trục động lực” với trục số 1 là cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và Quốc lộ 22, 22B, là hành lang phát triển Bắc – Nam chính của tỉnh Tây Ninh; trục số 2 là tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 22 kết nối liên vùng vương quốc Campuchia và tỉnh Bình Dương tới sân bay Long Thành; trục số 3 là tuyến vành đai trung chuyển giữa các khu công nghiệp khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia, kết nối với TP. Hồ Chí Minh, đi Bình Dương và Tây Nguyên; trục số 4 là hành lang kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và Vương quốc Campuchia theo hướng Đông Tây. “Vành đai an sinh xã hội” gắn với cao tốc dọc biên giới, kết nối liên vùng với Đồng bằng sông Cửu Long qua Long An và Tây Nguyên qua Bình Phước, là hành lang hỗ trợ quốc phòng – an ninh và an sinh cho vùng phía Bắc.
Tây Ninh sẵn sàng chào đón làn sóng đầu tư với các chiến lược cụ thể trong quy hoạch phát triển vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Quy hoạch dự kiến phát triển Tây Ninh với 20 vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển hệ thống khu công nghiệp, định hướng bố trí, phát triển các khu công nghiệp phân bố chủ yếu theo các trục Quốc lộ 22, Quốc lộ 22B, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh; hướng kết nối với trung tâm kinh tế của vùng là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và kết nối Bình Dương – Tây Ninh – Long An… Tỉnh Tây Ninh quy hoạch tiếp tục phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát theo định hướng và động lực mới, tạo đột phá góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương và góp phần vào sự phát triển chung của Vùng Đông Nam Bộ. Trong đó phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài theo mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ, phát triển xanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh Tây Ninh sẵn sàng đón sóng đầu tư với chiến lược quy hoạch tỉnh với các vùng phát triển cụ thể |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển như thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước; là tỉnh biên giới có vị trí địa chính trị quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là “phên dậu” hướng Tây Nam của Tổ quốc; vai trò kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, kết nối đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ và hành lang kinh tế xuyên Á. Do đó, Tây Ninh có tiềm năng lớn phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, có vai trò quan trọng trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có mặt đất, mặt nước, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện… Chính vì vậy, Tây Ninh cần bám sát 3 nội dung quan trọng trong công tác quy hoạch là bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, cả nước và thế giới, nhất là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp. Để triển khai quy hoạch được thiết thực, hiệu quả, Tây Ninh cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó lưu ý phải khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tập trung cải thiện xếp hạng các chỉ số liên quan cải cách hành chính, môi trường đầu tư…
“Cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, vấn đề còn lại mang tính quyết định đó là tư duy, tính năng động, sáng tạo, quyết tâm chính trị và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tay-ninh-san-sang-don-song-dau-tu-151417.html