Vinamilk sẽ tiếp tục đầu tư trang trại bò sữa số 2 quy mô 8.000 con tại Tây Ninh.
Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023 được tổ chức tại Tây Ninh ngày 2.6 vừa qua đã tạo dấu ấn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại diễn đàn, UBND tỉnh ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác với các hiệp hội và doanh nghiệp, trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh.
Sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp
Đánh giá cao tiềm năng phát triển nông nghiệp của Tây Ninh, ông Gabor Fluit- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, nhà đầu tư châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách nhóm họp tại diễn dàn với mục tiêu chung là đưa Tây Ninh trở thành trung tâm xuất khẩu nông nghiệp bền vững.
Theo ông Gabor Fluit, tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn. Ông Gabor Fluit cũng lưu ý, Tây Ninh nên áp dụng cách tiếp cận toàn diện gia tăng giá trị chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc áp dụng các phương pháp tốt nhất trong chăn nuôi, cải thiện các giải pháp tài chính, nâng cao hiệu quả và năng suất sẽ giúp khai phá tiềm năng chưa được khai thác; và tạo ra những cơ hội phát triển mới của tỉnh Tây Ninh, đồng thời củng cố mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân.
Từ tiềm năng chuyển đổi của các phương pháp canh tác nông nghiệp tiên tiến, EuroCham với 1.300 thành viên tin tưởng mạnh mẽ vào tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tây Ninh.
Ông Johan van den Ban- Tổng Giám đốc De Heus tại Việt Nam đánh giá, tỉnh Tây Ninh là thị trường rất lớn và quan trọng của Tập đoàn De Heus. Do đó, De Heus sẽ cố gắng sản xuất hiệu quả, không chỉ cung cấp trứng và gà giống, mà còn hỗ trợ người chăn nuôi tại Việt Nam được nhiều hơn. Ông Johan van den Ban cho biết thêm, dự kiến đến cuối năm 2023, De Heus Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động trang trại gà giống 14,8 triệu con tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu.
Ông Vũ Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, diễn đàn lần này dịp để gặp gỡ, đối thoại giữa các cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương với các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia và doanh nghiệp trong nước và quốc tế về những vấn đề then chốt trong chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng theo hướng số hoá, bền vững.
Theo ông Hùng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN là mô hình liên doanh với Tập đoàn De Heus (Hà Lan, thành viên của EuroCham). Liên doanh DHN giữa De Heus và Hùng Nhơn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt công suất khoảng 10.000 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh.
“Từ thành công và kinh nghiệm có được trong việc hợp tác với doanh nghiệp thuộc EuroCham, tôi mong muốn đóng góp vào nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng. Hy vọng thông qua sự kết nối này, Tây Ninh sẽ đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ châu Âu”- ông Hùng chia sẻ tại Diễn đàn.
Trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ có nhiều dự án đầu tư chăn nuôi áp dụng công nghệ cao.
Nhiều ý kiến đóng góp hữu ích
Với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, tỉnh Tây Ninh có được nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp giá trị cao. Tuy nhiên, việc tái đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn hạn chế do biến động giá đầu ra, dịch bệnh… tăng chi phí sản xuất theo tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP…). Chính vì vậy, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp để đưa tỉnh Tây Ninh trở thành trung tâm xuất khẩu nông nghiệp bền vững.
Ông Paul-Antoine Croize- Phó Chủ tịch Tiểu ban Ngành kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản thuộc EuroCham cho rằng, “chìa khoá” giải quyết những vấn đề nêu trên chính là việc phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chế biến sâu để đạt được nhiều giá trị hơn từ sản lượng nông nghiệp, đồng thời có khả năng được bảo vệ tốt hơn khỏi rủi ro dịch bệnh. Bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, cần chú trọng phát triển nghiên cứu và phát triển thị trường (R&D), tiếp thị ra nước ngoài để đáp ứng nhu cầu quốc tế.
Còn theo ông Jesper Clausen- Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thuỷ sản (FAABS) của EuroCham khuyến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ rõ và giám sát lợi ích thực tế về việc sử dụng thức ăn chăn nuôi và tác động tích cực của nó đối với việc tăng tính bền vững của ngành nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt hơn các quy định và kiểm tra việc ghi nhãn sản phẩm kháng sinh. Hạn chế sử dụng các loại thuốc có hại đối với sức khoẻ con người.
Ở góc độ khác, ông Sergio Silva- Phó Chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh của EuroCham cho biết, Tây Ninh có tiềm năng lớn trong việc phát triển điện mặt trời nhờ tổng số giờ nắng lên đến 2.600 giờ/năm.
Vì vậy, ông Sergio Silva đề nghị tỉnh cần khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tự tiêu thụ và sử dụng đồng hồ đo sau giờ để chuyển giao năng lượng giữa các công ty, giảm chi phí và tăng tự chủ trong sản xuất. Ngoài ra, Tây Ninh nên tập trung vào nguồn năng lượng sinh khối để tận dụng hệ sinh thái nông nghiệp sẵn có tại địa phương.
Nói về các giải pháp thu hút đầu tư, ông Gabor Fluit- Chủ tịch EuroCham mong tỉnh Tây Ninh sẽ khuyến khích việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên địa bàn. Thủ tục hành chính tinh gọn, giảm thời gian và khối lượng thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải giải quyết. Bên cạnh đó, tỉnh cần có sự minh bạch về thuế và các chính sách giảm thuế hoặc trợ cấp, để nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
UBND tỉnh ký kết với VIDA và EuroCham về việc triển khai công nghệ số hoá nông sản ở thị trường Tây Ninh.
Sẽ có nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư tại Tây Ninh
Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023, UBND tỉnh đã ký kết hàng loạt biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với các hiệp hội và doanh nghiệp.
Đầu tiên là biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với VIDA và EuroCham về việc triển khai công nghệ số hoá nông sản ở thị trường Tây Ninh. Theo thoả thuận, VIDA hỗ trợ kết nối với các sở, ban, ngành trong mảng nông nghiệp để dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin nhà sản xuất, nông sản địa phương; EuroCham hỗ trợ kết nối các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
UBND tỉnh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn cùng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Ninh.
Theo đó, Hùng Nhơn dự kiến đầu tư xây dựng các dự án về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục như: tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, khu canh tác nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi, vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trung tâm nghiên cứu con giống.
Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam trong việc thực hiện dự án Tổ hợp sản xuất và chế biến thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng, công suất 50.000 tấn thịt/năm.
Và biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh và Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) trong việc thực hiện dự án Tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa trên địa bàn tỉnh. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, bao gồm: nhà máy chế biến sữa công suất 36 triệu lít/năm và trang trại bò sữa số 2 quy mô 8.000 con.
Minh Dương