Trải thảm đỏ mời doanh nghiệp đến đầu tư
UBND tỉnh Tây Ninh vừa phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NNPTNT), Tập đoàn De Heus (Hà Lan) công bố vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh và khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh.
Tỉnh Tây Ninh cũng công bố nhiều dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 – 2030 với tổng vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có rất nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Tỉnh Tây Ninh đã xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là yếu tố quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi.
“Những năm gần đây, Tây Ninh đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, từng bước cơ cấu lại vùng chăn nuôi, thay đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại; ứng dụng công nghệ mới nhằm hạn chế dịch bệnh. Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao”, ông Trần Văn Chiến nói.
Hiện Tây Ninh hiện có hơn 80 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, có một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.
Ngoài ra, Tây Ninh có hơn 70 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Đến cuối năm 2024, huyện Tân Châu dự kiến là địa phương thứ 2 chính thức được Cục Thú y (Bộ NNPTNT) công nhận vùng an toàn dịch bệnh.
Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Một doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao cho biết, Tây Ninh là địa phương ưu tiên trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, minh chứng cho sự ưu tiên này là doanh nghiệp vừa khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN vào cuối tháng 5 vừa qua.
“Ngoài việc khánh thành khu chăn nuôi công nghệ cao, chúng tôi còn khởi công đồng loạt 7 dự án trọng điểm thuộc chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh. Đây là tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, tổng mức đầu tư dự kiến cho chuỗi các dự án nông nghiệp công nghệ cao này là hàng nghìn tỉ đồng, đưa Tây Ninh là địa phương dẫn đầu trong cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện tỉnh Tây Ninh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đạt được các chỉ tiêu nông nghiệp mà Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đặt ra.
“Sản xuất lúa có tỉ lệ cơ giới hóa cao nhất (100% khâu làm đất, 65-70% khâu chăm sóc, 95-100% khâu thu hoạch vận chuyển), cây mía (100% khâu làm đất, 50-70% khâu chăm sóc, 40% khâu thu hoạch và 100% vận chuyển), cây mì (100% khâu làm đất, 15-30% khâu chăm sóc, 3% khâu thu hoạch và 100% khâu vận chuyển), ông Nguyễn Đình Xuân thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh – Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Tây Ninh có đất đai thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước hồ Dầu Tiếng dồi dào, tạo nên tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/tay-ninh-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-1380236.ldo