Chọn ngày đầu tiên của tháng bảy, chúng tôi lên kế hoạch ngược ngàn thăm thác K50-một tuyệt tác của thiên nhiên giữa vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang), nơi có ngọn thác chảy từ miền cao nguyên Kon Hà Nừng xuống đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ rồi hòa mình vào dòng sông Côn và cuối cùng đổ ra Biển Đông. Nơi có sự hòa quyện giữa những phiến đá cao lớn có niên đại hàng triệu năm và địa thế hiểm trở, được bao bọc bởi nhiều tán cây cổ thụ cao vút đã kiến tạo nên dòng thác K50 uy nghi, sừng sững giữa đại ngàn và là nơi có hang én được ví như đôi mắt nàng K50.

Từ trung tâm TP Pleiku đến phố huyện Kbang hành trình là 93km với thời gian di chuyển mất gần 2 giờ đồng hồ. Rồi từ thị trấn Kbang lại tiếp tục đi về hướng Bắc, dọc theo đường Trường Sơn Đông khoảng 70km nữa là đến Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Từ đây, chúng tôi quyết định tiếp cận thác bằng cách ngồi sau xe máy 16km đường rừng của các tay lái cừ khôi thường đi mỗi ngày bằng xe hai bánh đã thay nhông 10 răng, thậm chí 8 răng mới vượt nổi những dốc đứng. Lựa chọn này sẽ giúp chúng tôi không phải đi bộ “băng rừng, bạt núi” và có thể đi về ngay trong ngày.

Sở dĩ đặt tên thác K50 vì độ cao của thác khoảng 50m tính từ đỉnh đến chân thác. Vẫn có tên gọi khác là thác Hang Én vì ngay sau thác có một cái hang lớn, ở đó có nhiều chim én cỏ sinh sống, trú ngụ, tiếng kêu râm ran cả một vùng. Suốt 4 mùa soi từng mảnh mây trời, dòng thác nước cứ thế miết mải đổ thẳng xuống sườn vách đá theo chiều thẳng đứng tạo ra những làn sương mù. Giữa bầu trời xanh thẳm, từng sợi bọt tung trắng xóa, hơi nước bay mịt mờ, loang loáng, bao kín một khoảng không bao la, hùng vĩ. Cảm giác được tiệm cận với thế giới kỳ diệu của thiên nhiên đang dần dần mở ra trước mắt ẩn dưới những tán rừng trầm mặc còn nguyên vẻ sơ khai.

     Vẻ đẹp thác K50.  Ảnh: ANH CHIÊM

Để đến được tận nơi có dòng thác cần phải chuẩn bị sẵn sàng về thể lực, tinh thần, ý chí quyết tâm và kỹ năng sinh tồn thật tốt. Trang phục phù hợp nhất là chuẩn bị giày đi bộ trong rừng, giày có thể leo núi, đi được dưới nước và phải là loại chống trơn trượt. Bởi muốn đặt chân đến thác, du khách phải vượt qua nhiều đoạn dốc được xếp bằng những tấm bê tông nhỏ với thế dốc dựng đứng, quanh co, uốn lượn khiến du khách thót tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đường đất trơn trượt có đoạn bám vào dây thừng, đoạn khác phải xuống đi bộ trong thời tiết sương mù. Điện thoại chúng tôi bắt đầu mất sóng, khi ẩn khi hiện, khi rõ khi không. Một quyết định sáng suốt lúc này là tắt nguồn điện thoại vì rừng rậm yêu cầu sự hiện diện hoàn toàn, sự tập trung toàn bộ cùng mọi giác quan. Chúng tôi ngắt kết nối mọi thứ bên ngoài và hòa mình với thiên nhiên. Có cảm tưởng như mọi người đang quay trở về thời hồng hoang, thuở khai thiên lập địa khi mặt đất còn hoang vu.

Mọi mệt mỏi, khó khăn trong chặng đường khám phá dường như tan biến, bởi hiện rõ trước mắt là vẻ đẹp tráng lệ được kết hòa, đan xen giữa các tầng địa chất, đá, nước, cây và sự nhỏ bé của con người. Dòng thác nước dần mở ra, nước tung bay là là như làn khói sóng bay lên từ ban mai, rồi bỗng đột ngột chuyển mình mạnh mẽ đổ ào ập, vồng lên uốn lượn, lách len qua các tảng đá, vẽ ra một khung cảnh nên thơ. Tại đây, dòng nước và khối không khí chia ra đôi ngả. Nước thì tung tẩy còn khí thì thốc ngược tạo thành một luồng sương lan ra mạnh mẽ nên thảm thực vật xung quanh mùa nào cũng xanh mát, tốt tươi. Dưới ánh mặt trời chiếu xuống, thác nước lung linh ánh bạc, sáng trong và lấp lánh. Trong ngày nhiều nắng sẽ tạo thành những mảnh cầu vồng 7 sắc khiến khung cảnh càng thêm diệu kỳ, tưởng như đang tham gia lễ hội ánh sáng với pháo hoa rực rỡ. Cả một dòng nước ngày cũng như đêm, đùa giỡn, nhảy múa mà không hề mảy may nghĩ ngợi xem ở ngoài kia thế giới chật chội, ồn ào, lao xao vang động như thế nào. Mọi người trong đoàn ai nấy sững sờ, ngạc nhiên rồi vỡ òa bởi sự quyến rũ, thuyết phục hoàn toàn từ thiên nhiên kỳ vĩ. Cảm giác tiệm cận với thế giới kỳ diệu của núi rừng, thưởng lãm chốn núi non tuyệt mỹ quả thật xứng đáng gấp ngàn lần sự vất vả đã trải qua.  

Tôi yêu từng ngóc ngách tại nơi này với con đường rừng rậm rịt, dây leo giăng lối, tán dương xỉ xanh um đùa reo với nắng gió. Mọi người thường nói, những chuyến về rừng thăm thác như thế giúp họ vượt qua được giới hạn của bản thân. Còn tôi nghĩ rằng, ta không thể vượt qua được sức mạnh hay giới hạn của thiên nhiên. Có chăng, ta chỉ cởi bỏ giới hạn trong suy nghĩ rồi tìm cách kết nối tự nhiên với chính mình. Có chăng, ta ra khỏi vùng an toàn của bản thân, thế thôi!

Sự hấp dẫn của thác K50 còn ở ý chí chinh phục khi mà đang vào mùa mưa, dòng nước dữ dằn và hung bạo cuồn cuộn chảy xiết, đổ ào ập tung bọt. Khi mà tiếng gió rượt đuổi nhau rin rít, tiếng bàn chân người sau tiếp chân người trước, bám vào dây thừng mà trèo xuống lòng hang ghé thăm “đôi mắt nàng K50”. Có đoạn mệt quá, nằm sõng soài cạnh đám dương xỉ um tùm, ngước mắt lên nhìn mây trời qua những tàu lá chuối rừng xanh miên miết rồi thiêm thiếp ngửa mặt hít một hơi thật dài, thật sảng khoái mùi vị của rừng sâu và lắng nghe thanh âm tiếng nước đổ trong lòng hang dữ dội.  

Bắt đầu từ con suối dưới chân thác K50, băng qua lối vào trong hang của loài chim én cỏ, cắt ngang đi lên đoạn rừng già, luồn qua những ghềnh gập rồi bám trụ ngay tảng đá lớn. Hay một lối khác là đi qua con dốc trơn nằm ở lưng chừng thác-ngay sau tấm dải bạc khổng lồ trắng xóa. Sự tĩnh lặng, bí hiểm của hang sâu nhường chỗ cho tiếng lao xao gọi bầy của từng đàn chim én bay liệng ở cửa hang, vừa chao nghiêng đôi cánh, vừa rít ríu hòa ca.

Nhìn từ đỉnh thác ngược về hướng thượng nguồn, có thể thấy cả một vùng hẻm núi mênh mông xa tít với các ghềnh đá nhấp nhô, những vực sâu gãy khúc đang ẩn hiện lòa nhòa trong bụi nước như sương mai khói sóng với thấp thoáng những ghềnh đá lô nhô và vực sâu trong vũ hội của nước, lung linh, lan tỏa bay lên bồng bềnh, xa xăm. Với âm hưởng núi rừng còn nguyên sơ, trong trẻo, đứng giữa lòng thác, chúng tôi càng rõ hơn cảm giác lọt thỏm, bé nhỏ trong một không gian mênh mông, hùng vĩ. Những phiến đá được xếp đặt một cách ngẫu nhiên từ tạo hóa lại trở thành nơi ngồi ngắm cảnh, hay buông chân nghịch đùa cùng làn nước mát lành. Giấc mơ của chúng tôi ẩn tàng và ám ảnh một cách kỳ lạ đến độ soi chiếu trôi trong từng nấc thang của đại ngàn, soi rọi qua dòng thác K50 bất tận ngày đêm reo hát.

Như một sân khấu kỳ vĩ và lộng lẫy, “đôi mắt nàng K50” thực sự tỏa sáng với danh xưng “Tây Nguyên đệ nhất thác” cùng nhiều câu chuyện thú vị. Xa xa kia đã hiện rõ một con đường, ước gì mãi hiền ngoan cứ thế nằm thư thả bên thác ngàn. Khi rời nơi đây, tôi đã mang theo hình ảnh dễ thương của cụ già người Gia Rai ngồi hát trên chiếc thuyền độc mộc ngược dòng một ngày sáng ấm gió. Biết chắc rằng, mình sẽ còn nhiều duyên nợ cho những lần nào đó trở lại nơi này để nghe thác ghềnh kể chuyện ngàn năm.

Ghi chép của NGUYỄN THỊ DIỄM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.