Để trôi cuốc, không nhận cuốc
Hành nghề tài xế hơn 20 năm, lái taxi công nghệ hơn 5 năm, nhưng đến thời điểm hiện tại, anh Nguyễn Xuân Thu, ngụ P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM, lại tỏ ra ngao ngán: “Nếu không tính thời điểm xảy ra dịch Covid-19, có thể nói hiện nay là giai đoạn khó khăn nhất cho tài xế taxi, đặc biệt là taxi công nghệ, bởi vì khách đi xe giảm lại, mà có nhiều hãng cạnh tranh bằng cách giảm giá cước, trong khi mức chiết khấu của hãng vẫn giữ 25 – 30%. Xe chạy đầy đường mà khách thì ít, hơn nữa giá cước bèo bọt, thu nhập không đủ tiền trả góp xe, tôi toàn phải xin tiền vợ bù vào”.
Anh Lê Văn Quyền, tài xế xe công nghệ ngụ Q.7, TP.HCM, cũng than thở: “Hiện nay các hãng xe công nghệ đang ra sức khuyến mại cho khách hàng và lại dồn gánh nặng cho tài xế. Cước phí thì thấp, chiết khấu cho hãng thì cao, mức thưởng thì rất khó đạt vì khách ít và phát cuốc xe không đều… Tôi mua xe trả góp để chạy thêm buổi tối nhưng càng chạy càng lỗ, nhiều khi nhận cuốc đi đón xa, quãng đường dài mà giá lại thấp, không tương xứng nên đành phải hủy. Hiện nay một số anh em tài xế đã chuyển hướng kiếm công việc khác vì chạy xe công nghệ 1 ngày ròng rã từ 10 – 12 tiếng mà thu nhập chỉ khoảng 300.000 – 350.000 đồng, chưa trừ hết chi phí… Tình cảnh này chỉ có cách là công ty gọi xe công nghệ nên giảm chiết khấu lại thì tài xế mới sống được và công ty mới tồn tại được, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng khách hàng bị hủy cuốc, hủy chuyến, gây mất thời gian chờ đợi”.
Đồng tình với ý kiến này, anh Nguyễn Văn Phương, tài xế xe công nghệ ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng đề nghị: “Doanh nghiệp hưởng lợi 25% lượt xe là quá cao. Đề nghị các cơ quan chức năng quản lý nên kiểm tra xem mức này có phù hợp chưa, chứ nếu kéo dài việc cạnh tranh về giá như hiện nay thì tài xế chịu thiệt, họ sẵn sàng chọn hủy cuốc xe nếu thấy không có lợi. Khách hàng mặc dù được giá rẻ nhưng chất lượng phục vụ sẽ giảm xuống”. Anh T.Q.T, một du khách ngụ TP.HCM, cũng bức xúc: “Hôm trước tôi đi Hà Nội, đặt xe công nghệ từ nhà hàng Hồ Tây về phố cổ nhưng đặt được xe xong lại bị hủy, cuối cùng phải bắt taxi truyền thống cho nhanh, mặc dù giá cao hơn”.
Gian lận giá cước
Giá cước thấp, điều kiện hoạt động tại sân bay rắc rối và mất nhiều thời gian khiến cho tài xế xe công nghệ ngán ngại mỗi khi nhận cuốc đón khách tại sân bay. Anh Nguyễn Minh Đức, một tài xế của hãng Grab, chia sẻ: “Nếu có cuốc đón khách đi sân bay thì không sao, nhưng nhận cuốc đón khách từ sân bay thì hầu hết tài xế đều ngán ngẩm vì cước phí thấp, mà xếp hàng đợi rất lâu. Trong khi đó có nhiều khách không rành vị trí đón xe, hướng dẫn mất thời gian và cả khách lẫn tài xế đều khó chịu. Vì vậy khi đưa khách đến sân bay là tôi tắt chế độ nhận khách tiếp theo để tránh nhận cuốc”. Chính vì vậy, tại sân bay, nhiều hãng taxi “vẫy” kiểu truyền thống đang chiếm ưu thế. Tuy nhiên, khách phải chịu giá cước cao hơn và đôi lúc phải trả phí nhiều hơn cho chuyến đi ngắn.
Đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất
Mới đây, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cùng các đơn vị liên quan đã lập đoàn kiểm tra và phát hiện thủ đoạn tinh vi của một số tài xế taxi phục vụ vận chuyển hành khách tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất sau thông tin phản ánh từ báo chí về việc gian lận, chặt chém cước taxi. Theo đó, 2 chiếc xe taxi của hãng Saigontourist thuộc Công ty CP vận chuyển Saigontourist và xe taxi của Công ty TNHH vận tải Saigon Taxi đã bị tổ công tác kiểm tra và ghi nhận đồng hồ tính tiền cước trên xe có gắn thiết bị làm sai lệch.
Cụ thể, trên cần số của những chiếc taxi này có gắn nút bấm điều khiển (được che giấu bằng một lớp da màu đen) có thể tắt đồng hồ tính cước và khi bấm có thể khiến giá cước trên đồng hồ nhảy “chóng mặt”, thậm chí gấp 10 lần giá thực tế. Đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng thông tin sau khi nhận được kết quả kiểm tra từ Thanh tra Sở GTVT, đơn vị này đã tổ chức họp khẩn với các bên liên quan và đưa đến quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi tại cảng đối với 2 doanh nghiệp nêu trên. Ngoài ra, hãng taxi Saigontourist còn bị Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) khởi kiện vì mạo danh thương hiệu.
Theo đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, hiện nay có rất nhiều hãng taxi đang kinh doanh vận tải hành khách tại cảng, vụ việc taxi của 2 đơn vị sai phạm nói trên đã làm ảnh hưởng rất lớn tới uy tín, hình ảnh và thương hiệu của sân bay Tân Sơn Nhất. “Cảng đã thực hiện đúng theo quy định trong hợp đồng đã ký với các đơn vị vận tải phục vụ tại cảng. Nếu có xảy ra sai phạm, hoạt động của hãng sẽ bị đình chỉ dù sai phạm xảy ra ở một phương tiện. Cảng sẽ sớm có kế hoạch để chấn chỉnh và giám sát việc cung cấp dịch vụ của các hãng taxi, xe công nghệ được nhượng quyền khai thác tại sân bay”, đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, nhận định: “Sự việc đã cho thấy mặt trái của việc kinh doanh taxi theo hình thức khoán xe, nhất là đối với các hãng xe nhỏ kinh doanh theo hình thức khoán xe cho tài xế nên thiếu sự quản lý. Trong khi đó, các hãng taxi chính thống, mỗi sáng đều có quy trình kiểm tra quản lý, một chút chênh lệch đều có thể phát hiện được ngay, thậm chí sau 10 phút là có thể phát hiện”. “Tôi cho rằng phải kiểm tra lại và quy trách nhiệm cho người phụ trách, lãnh đạo doanh nghiệp. Những tài xế đã có hành vi gian lận, vi phạm phải bị sa thải ngay lập tức, đồng thời phải thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các hãng taxi hoạt động hình thức khoán xe”, ông Tạ Long Hỷ đề nghị.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, hiện nay, các hãng xe công nghệ đang cạnh tranh gay gắt về thị phần. Đặt xe công nghệ trước đây vốn là miếng bánh của các hãng nước ngoài nhưng hiện tại nhiều hãng taxi trong nước đã nỗ lực “lội ngược dòng”. Báo cáo Người tiêu dùng số được Decision Lab và Mobile Marketing Association Vietnam công bố mới đây cho thấy sau Grab (vốn là ứng dụng gọi xe dẫn đầu thị phần VN), Mai Linh App hiện sở hữu tỷ lệ người dùng không nhỏ, chiếm 29% trong quý 1 và thậm chí cao hơn tỷ lệ của các ứng dụng gọi xe khác như Gojek (24%) hay be (20%).
Một hãng taxi khác là Vinasun cũng đặt mục tiêu nâng lượng đặt xe qua app lên 25.000 lượt/ngày. Nếu tính cả năm, hãng có thể đón tới 6,2 triệu lượt khách qua kênh này, vượt các kênh truyền thống như tổng đài (16.233 cuộc gọi/ngày) hay thông qua điểm tiếp thị (11.663 lượt khách/ngày). Doanh nghiệp này cũng đặt mục tiêu thu về 1.345 tỉ đồng trong năm nay, tăng 23,4% so với năm ngoái. Đó là chưa kể sự xuất hiện của hãng xe taxi điện SM mới đây cũng đang thu hút một lượng khách nhất định. Thị phần chật chội, lượng khách nội địa thắt chặt chi tiêu trong khi khách du lịch vẫn chưa hồi phục khiến cho đời sống của giới lái xe cũng vất vả hơn.