Đây là một đòn giáng mạnh vào tham vọng chinh phục không gian của Nga. Roscosmos cho biết, theo một “phân tích ban đầu”, tàu Luna 25 “đã di chuyển vào quỹ đạo ngoài kế hoạch” trước khi va chạm.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ va chạm.
Cơ quan này cho biết, một ủy ban đặc biệt sẽ điều tra về vụ va chạm của tàu Luna 25.
Theo Roscosmos, các thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi tàu Luna 25 báo cáo về một “trường hợp khẩn cấp”, khi tàu này đang cố di chuyển vào quỹ đạo trước khi hạ cánh.
Vào ngày Chủ Nhật, trong một bài đăng trên Telegram, Roscosmos chia sẻ: “Trong nhiệm vụ này, một trường hợp khẩn cấp đã xảy ra trên trạm tự động, khiến quy trình di chuyển không thể được thực hiện đúng theo những tham số đã định sẵn”.
Tàu này được kỳ vọng sẽ hoàn thành sứ mệnh lên mặt trăng đầu tiên của Nga trong 47 năm qua. Trước đó, ngày 18/8/1976, tàu Luna 24 của Nga đã đáp xuống bề mặt mặt trăng.
Tàu Luna 25 được phóng từ Vostochny Cosmodrome ở Amur Oblast, Nga vào ngày 10/8 để bắt đầu hành trình ngắn ngủi tới mặt trăng.
Hàng thập kỷ lên kế hoạch
Còn được gọi là Luna-Glob-Lander, tàu Luna 25 là một phần trong sứ mệnh tới mặt trăng nhằm nghiên cứu về thành phần của đất trên mặt trăng và tầng khí quyển vô cùng mỏng của mặt trăng hay còn gọi là tầng ngoại quyển trong vòng một năm.
Quỹ đạo của sứ mệnh này cho phép tàu Luna 25 di chuyển ngang qua tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ được phóng vào giữa tháng 7 vừa rồi.
Cả hai tàu đáp mặt trăng này đều được dự kiến sẽ đáp xuống cực Nam của mặt trăng.
Phần lớn các quan tâm về khu vực này bắt nguồn từ thực tế rằng đây là khu vực ít được khám phá nhất trên mặt trăng. Khu vực địa lý này cũng là nơi mà các nhà khoa học tin rằng là nơi dự trữ nước trên bề mặt mặt trăng dưới dạng băng, trong các khe nứt được che khỏi ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, theo nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian, các nhận xét về việc Nga và Ấn Độ đang chạy đua về cực Nam mặt trăng không hoàn toàn chính xác. Ông cho biết, cả hai dự án đều đã được lên kế hoạch suốt hơn một thập kỷ.
Theo kế hoạch ban đầu, Roscosmos và Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA dự kiến sẽ hợp tác trong sứ mệnh tàu Luna 25, cũng như tàu Luna 26, 27 và tàu thám hiểm ExoMars.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác này đã kết thúc vào tháng 4/2022 sau khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, và Hội đồng ESA ra quyết định “chấm dứt hoạt động hợp tác với Nga”.
Tàu Luna 25 mang 8 thiết bị khoa học, bao gồm một số máy đo quang phổ. Trong đó, một máy dự kiến sẽ được sử dụng để nghiên cứu đất trên mặt trăng và máy còn lại sẽ được sử dụng để phát hiện nước trên bề mặt.
Trong khi đó, tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ gồm một tàu đáp bề mặt, một module đẩy và một tàu thám hiểm – những khả năng khám phá mà Nga không có được. Phương tiện tự động cỡ nhỏ này có thể di chuyển trên bề mặt mặt trăng.
Tàu Chandrayaan-3 có thể sẽ là tàu mang lại sứ mệnh đáp bề mặt mặt trăng thành công đầu tiên của quốc gia này. Sứ mệnh gần đây nhất của Ấn Độ đã kết thúc trong thất bại sau khi tàu Chandrayaan-2 va chạm khi xuống bề mặt mặt trăng vào tháng 9/2019.
Tàu Chandrayaan-3 được dự kiến sẽ thực hiện quy trình đáp bề mặt vào thứ Tư ngày 23/8.
Pha đánh cược của chương trình vũ trụ của Nga
Tàu Luna 25 được cho rằng sẽ là minh chứng cho tương lai của các sứ mệnh khám phá mặt trăng tự động của Roscosmos. Nhiều tàu không gian Luna trong tương lai dự kiến sẽ được thiết kế tương tự tàu này.
Nếu thành công, tàu Luna 25 đã có thể sẽ đánh dấu bước tiến lớn cho chương trình không gian dân sự của quốc gia này – một ngành công nghiệp mà các nhà khoa học cho biết đã gặp nhiều vấn đề trong các thập kỷ qua – và cho thấy, họ vẫn có thể thực hiện các sứ mệnh có tầm quan trọng và rủi ro cao.
Victoria Samson, Chủ tịch văn phòng tại Washington của Secure World Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận truyền bá về khám phá không gian trong hòa bình, trong một buổi phỏng vấn vào thứ Sáu cho biết: “Họ gặp rất nhiều vấn đề về kiểm soát chất lượng, tham nhũng và tìm kiếm đầu tư kinh phí”.
Tin cơ quan của Nga gặp các vấn đề với tàu không gian của họ đã nhận được nhiều sự cảm thông từ cộng đồng vũ trụ.
Ông Thomas Zurbuchen, cựu trưởng phòng khoa học của NASA trong một bài đăng trên mạng xã hội đã khẳng định, trong ngành công nghiệp này không có ai “mong điều xấu xảy ra cho những nhà thám hiểm khác”.
Trong bài đăng trên X, trang mạng xã hội từng có tên Twitter, ông đã viết: “Chúng ta cần được nhắc nhở rằng việc đáp thành công xuống bề mặt các thiên thể khác hoàn toàn không dễ dàng hay đơn giản. Việc những người khác đã thành công nhiều thập kỷ trước không đảm bảo thành công cho những sứ mệnh ngày hôm nay”.
Nguyễn Quang Minh (theo CNN)