Ngày 16/6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, lần đầu tiên trong vòng 6 năm nay, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan SSGN của Mỹ đã cập cảng căn cứ hải quân chính ở Busan, cách thủ đô Seoul 320 km về phía Đông Nam Hàn Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan SSGN của Mỹ đã cập cảng căn cứ hải quân chính ở Busan, Hàn Quốc trong ngày 16/6. (Nguồn: Yonhap) |
Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường USS Michigan nặng 18.000 tấn đã cập bến Hàn Quốc hôm 16/6, một ngày trước khi Triều Tiên phóng 2 tên lửa-động thái được cho là để phản ứng trước cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc trước đó cùng ngày.
Tàu USS Michigan-khí tài quan trọng của Hải quân Mỹ đã đến Busan, Hàn Quốc, trong bối cảnh Mỹ cam kết ngày càng tăng cường “sự hiện diện thường xuyên” của các khí tài chiến lược trên bán đảo Triều Tiên, thông qua Tuyên bố Washington do Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu trong hội nghị thượng đỉnh ở Washington tháng 4 vừa qua.
Theo chỉ huy hạm đội Hàn Quốc, Phó Đô đốc Kim Myung Soo, chuyến thăm của SSGN tới Hàn Quốc nhằm thực hiện thỏa thuận trong Tuyên bố Washington, thể hiện khả năng và vị thế của liên minh Mỹ-Hàn để hiện thực hóa “hòa bình thông qua sức mạnh”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, lực lượng hải quân hai bên dự kiến triển khai các cuộc tập trận tác chiến đặc biệt để tăng cường phối hợp, cũng như củng cố năng lực trong chiến dịch đối phó với các mối nguy an ninh tại khu vực.
Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc thông báo đã trục vớt được một phần tên lửa vệ tinh Triều Tiên đã phóng hồi cuối tháng 5 rơi xuống Hoàng Hải.
Hoạt động này chính thức kết thúc sau một tuần, do bị ảnh hưởng của hạn chế tầm nhìn dưới nước, dòng chảy xiết và nhiều trở ngại khác.
Ngày 15/6, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) khẳng định, nước này đã trục vớt được mảnh vỡ mà ban đầu nghi là động cơ tầng thứ 2 của tên lửa, với kỳ vọng cuộc điều tra về mảnh vỡ có thể giúp Seoul có thêm thông tin về chương trình phát triển tên lửa tầm xa của Triều Tiên.
Hồi cuối tháng 5, Triều Tiên tuyên bố, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa “Chollima-1” mang theo vệ tinh trinh sát quân sự “Malligyong-1”. Tuy nhiên, tên lửa này đã rơi xuống biển do động cơ tầng thứ 2 khởi động bất thường.
Cũng trong ngày 16/6, quân đội Hàn Quốc đã xác định được một phần tên lửa này tại vùng biển cách đảo Eocheong khoảng 200 km về phía Tây, nhưng mảnh vỡ rơi xuống đáy biển ở độ sâu 75 m do quá nặng.