(NLĐO) – Phân tích từ một nhà sinh vật học vũ trụ cho rằng các phương pháp tìm kiếm sự sống Sao Hỏa của nhân loại có thể vô tình mang tính hủy diệt.
Phân tích trên tạp chí khoa học Nature Astronomy, nhà sinh vật học vũ trụ Dirk Schulze-Makuch từ Đại học kỹ thuật Berlin cho rằng bằng chứng về sự sống Sao Hỏa – thậm chí là sinh vật đang sống – có thể đã được con người tìm thấy, nhưng vô tình làm chết.
Câu chuyện được cho là đã xảy ra với cặp tàu đổ bộ Viking của NASA. Khi hạ cánh xuống sao Hỏa vào năm 1976, chúng có một danh sách dài các nhiệm vụ.
Một trong số đó là thực hiện các thí nghiệm kiểm tra dấu hiệu sinh học trên đất Sao Hỏa, tức dấu vết của các phân tử liên quan đến sự sống.
Cho đến nay, đây là những thí nghiệm sinh học chuyên dụng duy nhất được thực hiện trên hành tinh đỏ.
Máy sắc ký khí khối phổ (GCMS) của một tàu đã tìm thấy chất hữu cơ có clo.
Vào thời điểm đó, kết quả này được giải thích là do con người đã vô tình làm vấy bẩn tàu vũ trụ và chất hữu cơ từ sự việc đó đã gây nhầm lẫn cho thiết bị.
Nhờ các nghiên cứu sau đó, chúng ta đã biết rằng các chất hữu cơ có clo cũng tồn tại ở Sao Hỏa, mặc dù vẫn chưa rõ liệu chúng được tạo ra bởi các quá trình sinh học hay phi sinh học. Vì vậy GCMS có thể không nhầm lẫn.
Tuy vậy, GCMS cần phải làm nóng các mẫu để tách ra các vật liệu khác nhau trong đó. Phân tích sau đó cho thấy quá trình này có thể đã thiêu rụi dấu vết sự sống mà nó muốn tìm kiếm.
Với phân tích mới, TS Schulze-Makuch còn cho rằng các thí nghiệm khác cũng có thể mang tính hủy diệt tương tự.
Ví dụ như các thí nghiệm có giải phóng vật liệu như truyền chất lỏng vào các mẫu Sao Hỏa, thí nghiệm nhiệt phân… để tìm bằng chứng về quá trình trao đổi chất và quang hợp.
Các tàu vũ trụ này đã không tìm thấy thứ mà nhân loại mong muốn. Tuy nhiên vấn đề chính là vào thời điểm vài thập kỷ trước, các nhà khoa học cho rằng sự sống Sao Hỏa giống Trái Đất và phát triển mạnh mẽ khi có nước.
Tuy vậy, như chúng ta đã biết gần đây, sự sống có thể tự tối ưu hóa để phát triển trong điều kiện rất khô hạn. Sao Hỏa rất khô hạn.
Việc làm ẩm ướt các mẫu vật khi đó có thể khiến sinh vật Sao Hỏa – nếu chúng tồn tại trong đó – chết đi, hoặc hủy diệt các dấu vết của chúng.
“Giống như người ngoài hành tinh tìm thấy bạn đang lang thang trong sa mạc, sắp chết và họ quyết định rằng con người cần nước nên thả bạn xuống đại dương. Điều đó cũng không hiệu quả” – TS Schulze-Makuch ví dụ.
Điều thú vị là các dấu hiệu sự sống được xác định trong thí nghiệm giải phóng nhiệt phân mạnh hơn nhiều trong những lần chạy khô, không thêm nước vào mẫu.
Vì vậy, có thể con người đã đi lầm đường và thông qua các tàu vũ trụ vô tình giết chết các sinh vật ngoài hành tinh bé nhỏ đang trú ngụ trong các mẫu đất Sao Hỏa đó.
Nếu vậy, điều cần thiết là chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng hệ sinh thái của Sao Hỏa khi thiết kế các thí nghiệm trong tương lai.
Nguồn: https://nld.com.vn/tau-nasa-co-the-da-bat-duoc-sinh-vat-sao-hoa-nhung-lam-chet-196241119092333612.htm