Ngày 10/7 tới đây, tàu Maran Gas Achilles (quốc tịch Hy Lạp) sẽ đến Kho cảng LNG Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây được đánh giá là khoảnh khắc lịch sử của ngành năng lượng Việt Nam.
Ông Trần Nhật Huy, Phó Tổng Giám đốc PV Gas, Chỉ huy trưởng phụ trách chiến dịch đón nhận tàu, thông tin, các lực lượng như cảng vụ hàng hải, biên phòng, hoa tiêu, hải quan cũng tham gia vào chiến dịch đón tàu nhiên liệu lịch sử này.
Cụ thể, tối 9/7, tàu Maran Gas Achilles sẽ cập phao số 0. Tới sáng 10/7, hoa tiêu được lên tàu. Từ 7-9h sáng cùng ngày, con tàu sẽ về đến trước cảng Thị Vải.
Toàn bộ quá trình dịch chuyển từ giữa luồng hàng hải vào đến cảng được thực hiện bởi 4 tàu hộ tống lai dắt.
Cũng theo ông Huy, tất cả các phương án ứng cứu khẩn cấp, hay chuẩn bị cho sự cố tràn dầu từ khu vực mặt nước tới trong bờ đều đã được lực lượng chức năng diễn tập.
Tính đến thời điểm này, Kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn, hiện đại nhất trong nước. Tổng Giám đốc PV Gas, ông Phạm Văn Phong, cho biết, để dễ hình dung, công nghệ làm kho chứa LNG có độ phức tạp tương đương với nhà máy điện hạt nhân. Quá trình đầu tư vào hạ tầng LNG tốn kém, ngoài ra, không phải bất cứ nhà đầu tư nào có tiền cũng xây dựng được, bởi cần sự chuyên nghiệp, am hiểu về kỹ thuật ngành.
Theo ông Phong, LNG là nguồn năng lượng mới với Việt Nam, nhưng không còn mới trên thế giới. Cách đây hơn 60 năm, những chuyến tàu LNG từ Mỹ đã được vận chuyển tới Nhật Bản, đồng nghĩa, Việt Nam đã đi sau một số nước trên thế giới tới 6 thập kỷ trong câu chuyện năng lượng. Dẫu vậy, tới nay, cơ chế chính sách vẫn chưa được xây dựng xong để đảm bảo LNG có thể là một nguồn nhiên liệu bổ sung phát điện thay thế nhiên liệu truyền thống như than đá, dầu.
Để hiểu thêm, khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas – LNG), khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ; không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Điều này khiến nó trở thành nhiên liệu hóa thạch sạch nhất.
Mỹ là một minh chứng điển hình của việc sử dụng khí đốt cho sản xuất điện. Năm 2022, sản lượng điện ở Mỹ đến từ những nhà máy điện khí đốt đạt 40%; than đá là 20%; phần còn lại đến từ năng lượng tái tạo (21,5%) và hạt nhân (18%).
Nhiều quốc gia khác cũng đã tăng tốc chuyển đổi sang khí đốt như Trung Quốc với khí đốt chiếm 10% trong tổng mức tiêu thụ năng lượng; Nhật Bản với 21,3% và Hàn Quốc với 18%.
Tại Việt Nam, Quy hoạch điện VIII được Chính phủ thông qua mới đây cũng đã định hướng phát triển các dự án nhà máy điện dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với quy mô rất lớn, từ 0% năm 2020 lên xấp xỉ 22.400 MW trong năm 2030, chiếm gần 14,9% tổng quy mô nguồn năm 2030.