Hiện diện thường trực
Hai tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên được nhìn thấy tại căn cứ Hải quân Ream vào ngày 3.12.2023, theo một bài đăng trên Facebook của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha. Theo các phương tiện truyền thông, các tàu Trung Quốc đã rời căn cứ Ream vào giữa tháng 1 năm nay.
Theo Nikkei Asia hôm 14.4, một trong số 2 tàu được xác định là tàu hộ tống hộ tống Văn Sơn (Wenshan) của Hải quân Trung Quốc (PLAN), quay trở lại căn cứ quân sự Ream vào ngày 20.3.
Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh vệ tinh của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS-Mỹ) chỉ ra điều ngược lại. Theo đó, ngoại trừ một số lần vắng mặt ngắn ngủi, các tàu hộ tống của PLAN đã được quyền tiếp cận “mở rộng và độc quyền” tại Ream trong 4 tháng rưỡi qua.
Trong một phân tích hôm 18.4, CSIS cho biết: “Các tàu của PLAN được nhìn thấy cập cảng tại bến tàu mới của căn cứ quân sự Ream kể từ khi các tàu này cập cảng lần đầu vào ngày 3.12. Bến tàu chỉ trống trong 2 khoảng thời gian ngắn từ ngày 15 – 18.1 và ngày 29 – 30.3”.
Từ năm 2016, Campuchia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua 2 tàu chiến từ Trung Quốc. Trong bài phát biểu năm 2022, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết việc hiện đại hóa căn cứ Ream sẽ giúp Campuchia giải quyết nhiều “nhiệm vụ kỹ thuật phức tạp”. Đặc biệt, việc vận hành “các tàu hiện đại” được trang bị tên lửa, đòi hỏi cần đào tạo và trau dồi kỹ năng mới.
Trả lời về vấn đề lực lượng Trung Quốc ở căn cứ hải quân Ream – đang đảm nhận trách nhiệm đóng tàu mới, Chỉ huy trưởng căn cứ Ream Mey Dina nói rằng: “có”, nhưng không trả lời thêm câu hỏi về thời gian diễn ra hoạt động này hoặc Campuchia sẽ mua những tàu nào từ Trung Quốc. “Không có gì tiêu cực như bạn nghĩ cả. Tôi đã trả lời tất cả những câu hỏi này. Cảm ơn”, ông Dina nói thêm.
CSIS nhấn mạnh rằng không có tàu nào khác, kể cả tàu Campuchia, đã sử dụng bến tàu mới của căn cứ Ream. Chuyến thăm gần đây của 2 tàu khu trục Nhật Bản đã được chuyển đến cảng tự trị Sihanoukville thay vì Ream.
Ông Gregory Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á và AMTI tại CSIS, cho biết: “Nếu bạn đến thăm viếng hàng hải hoặc tập trận, bạn sẽ không ở lại trong vòng 5 tháng. Điều đó có nghĩa là hoạt động của Trung Quốc tại Ream là triển khai luân phiên hoặc triển khai lâu dài”.
“Điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc nhân viên Trung Quốc đã sống ở căn cứ này trong 5 tháng qua. Điều đó đặc biệt đáng chú ý vì Campuchia liên tục khẳng định rằng đây không phải là căn cứ của Trung Quốc và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng nó. Song, theo những gì chúng tôi có thể biết, chỉ có một người đang sử dụng nó”, ông Gregory Poling lập luận.
Làm gì ở Ream?
Căn cứ hải quân Ream, nằm ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia, được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược do nằm gần vịnh Thái Lan và ở phía nam Biển Đông.
Trung Quốc đã tài trợ cho việc nâng cấp địa điểm và nạo vét vịnh xung quanh Ream. Theo báo cáo của AMTI ngày 18.4, việc xây dựng phần còn lại của căn cứ Hải quân Ream đã có những bước tiến nhảy vọt với một số nâng cấp quan trọng hiện sắp hoàn thành. Trong khi đó, các cơ sở do Mỹ xây dựng trước đây đã bị phá bỏ.
Có rất ít thông tin công khai về công việc ở phía bắc Ream. Tạp chí Wall Street vào năm 2019 đưa tin rằng Campuchia đã ký một hiệp ước bí mật với Trung Quốc để trao độc quyền sử dụng một phần của căn cứ Ream với diện tích 87 héc ta.
Cựu thủ tướng Campuchia Hun Sen (hiện là Chủ tịch Thượng viện Campuchia) đã phủ nhận các báo cáo cho rằng có kế hoạch cho phép Trung Quốc sử dụng Ream làm căn cứ quân sự, và gọi những tuyên bố này là “vu khống”. Bên cạnh đó, ông Hun Sen cũng đã bác bỏ các báo cho rằng dự án kênh đào do Trung Quốc tài trợ có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã nhắc lại vào tháng 1 năm nay rằng sẽ không có căn cứ quân sự nước ngoài nào ở nước này vì hiến pháp Campuchia cấm điều đó.
Hạm đội bờ biển của Hải quân Hoàng gia Campuchia hiện bao gồm 4 tàu tuần tra Stenka thời Liên Xô (2 trong số đó không đủ khả năng đi biển), 4 tàu tuần tra PC42 do Trung Quốc chế tạo và một số tàu nhỏ khác.
Một cựu thành viên hội đồng ngoại giao Campuchia giấu tên, người hiểu biết sâu sắc về những diễn biến tại Ream trong những năm gần đây, cho biết việc vận hành một lớp tàu cỡ lớn sẽ là một “bước nhảy vọt” đối với các thủy thủ Campuchia – những người cần được đào tạo chuyên sâu.
“Đó chính xác là những gì bạn mong đợi, bắt đầu sớm việc chuyển giao kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành tàu chiến vì mọi thứ đối với người Campuchia đều là mới từ động cơ, thông tin liên lạc đến vũ khí”, ông này nói thêm. Những động thái trên có thể cung cấp “vỏ bọc” cho sự hiện diện liên tục tại địa điểm này.
Sự hiện diện kéo dài của Trung Quốc làm tăng thêm mối lo ngại mà Washington bày tỏ từ lâu rằng căn cứ quân sự Ream sẽ được sử dụng để lưu trữ tài sản quân sự của Trung Quốc.
Trong cuộc gặp hồi tháng 2 vừa qua với Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Phnom Penh, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” về sự tham gia của Trung Quốc vào việc xây dựng tại Hải quân Ream, và địa điểm này có sử dụng nó trong tương lai.