Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường thuộc Hạm đội 7 của Mỹ phối hợp với tàu chiến của hải quân Canada đi qua eo biển Đài Loan.
Hạm đội 7 ngày 3/6 thông báo USS Chung-hoon, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, đã di chuyển qua eo biển Đài Loan cùng tàu hộ vệ tên lửa lớp Halifax HMCS Montreal của hải quân Canada. Mỹ cho biết hai tàu di chuyển “trên vùng biển quốc tế”, được áp dụng quyền tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế.
“Chuyến di chuyển hiệp đồng của tàu Chung-hoon và tàu Montreal qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ cùng đồng minh và đối tác về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, Hạm đội 7 mô tả hoạt động.
Quân đội Canada mô tả chuyến hải trình thể hiện quan hệ đối tác Mỹ – Canada “vì hòa bình và an ninh khu vực”.
Hải quân Mỹ khẳng định hình thức hợp tác này là “mảnh ghép trung tâm trong chiến lược đảm bảo khu vực an toàn và thịnh vượng”. Mỹ cho rằng tàu và máy bay của mọi quốc gia có quyền di chuyển tự do trong mọi khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép.
Lần gần nhất Mỹ và Canada phối hợp triển khai tàu chiến di chuyển qua eo biển Đài Loan là tháng 9/2022, một tháng sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó Nancy Pelosi.
Chuyến hải trình lần này diễn ra vào ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có bài phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2023, diễn ra tại Singapore ngày 2-4/6. Ông Austin nói rằng mạng lưới quốc gia thân thiện của Mỹ ở châu Á sẽ “chống lại hành vi cưỡng ép, đặc biệt ở eo biển Đài Loan”. Ông khẳng định Mỹ cam kết duy trì hiện trạng ở Đài Loan và phản đối những thay đổi đơn phương từ cả hai bên.
Tướng Cảnh Kiến Phong, Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ngay sau đó nói bên lề diễn đàn rằng “những bình luận của Mỹ về Đài Loan phớt lờ, bóp méo sự thật và hoàn toàn sai lầm”.
“Họ thường xuyên điều tàu và máy bay qua eo biển Đài Loan để phô trương sức mạnh, lôi kéo các nước khác can thiệp vào vấn đề Đài Loan”, tướng Trung Quốc nói thêm.
Căng thẳng Mỹ – Trung chưa có cải thiện đáng kể kể từ sự kiện Mỹ bắn rơi khí cầu Trung Quốc xâm nhập không phận vào tháng 2. Quân đội Mỹ cáo buộc khí cầu là thiết bị do thám, trong khi Bắc Kinh khẳng định đây là khí cầu nghiên cứu dân sự “đi lạc” vào không phận Mỹ.
Trong khoảng 4 tháng qua, hai nước hạn chế tiếp xúc cấp cao. Chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken bị hủy lịch và chưa được ấn định ngày tổ chức mới. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc từ chối họp song phương với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin bên lề Đối thoại Shangri-La 2023. Hôm 2/6, hai ông chỉ chào hỏi và bắt tay trong tiệc khai mạc.
Trung Quốc hơn nửa năm qua tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn xung quanh Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh cho là một phần không thể tách rời của lãnh thổ và tái thống nhất chỉ là vấn đề thời gian, kể cả bằng phương án quân sự. Tuần trước, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc cùng hai tàu hộ tống đã di chuyển qua eo biển Đài Loan.
Thanh Danh (Theo Reuters)