Các thành viên của Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã kết thúc hành trình tại Paralympic Paris 2024 với 1 HCĐ. Các VĐV của chúng ta không chỉ đạt chỉ tiêu giành huy chương đề ra trước ngày lên đường sang Pháp mà còn cho thấy nỗ lực và nghị lực phi thường để vượt qua chính mình, chiến thắng những thử thách, khó khăn.
Hoàn thành mục tiêu
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024 với 14 thành viên, trong đó có 4 cán bộ đoàn, 3 HLV và 7 VĐV, thi đấu ở 3 môn với 6 nội dung. Các tuyển thủ gồm: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh). Mục tiêu giành huy chương tại Đại hội thể thao người khuyết tật thế giới là không hề dễ dàng nhưng bằng sự nỗ lực, ý chí phấn đấu vượt qua chính mình, các VĐV khuyết tật Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra với tấm HCĐ của Lê Văn Công tại hạng cân 49 kg môn cử tạ.
Đây cũng là tấm huy chương thứ ba liên tiếp của lực sĩ sinh năm 1984. Trước đó, Lê Văn Công từng giành HCV tại Paralympic Rio 2016 và HCB ở Paralympic Tokyo 3 năm trước. Thành tích của Lê Văn Công cũng giúp Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam có kỳ Paralympic thứ ba liên tiếp giành được huy chương, trước đó đoàn đã giành 1 HCB tại Paralympic Tokyo 2020 và 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ tại Paralympic Rio 2016.
Dù không có được huy chương nhưng các VĐV còn lại cũng đã thi đấu kiên cường, thể hiện ý chí, tinh thần Việt Nam không bao giờ bỏ cuộc. Hai kình ngư Lê Tiến Đạt và Đỗ Thanh Hải đã để lại ấn tượng khi lọt vào chung kết 100m ếch hạng thương tật SB5. Dù không thể nằm trong top nhận huy chương khi xếp lần lượt thứ 4 và 5 nhưng đó là nỗ lực rất lớn của hai kình ngư Việt Nam. Trong lần đầu tham dự đấu trường lớn nhất thế giới, Phạm Nguyễn Khánh Minh thi đấu khá tốt khi đạt thông số cá nhân tốt nhất năm tại vòng loại 400m T12 nam với 51 giây 28. Dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao nhưng lực sĩ Đặng Thị Linh Phượng đã 2 lần chinh phục mức tạ lần lượt 93 kg và 98 kg ở hạng cân 50 kg. Ở tuổi 49, lực sĩ Châu Hoàng Tuyết Loan vẫn cho thấy sự bền bỉ đáng kinh ngạc khi xếp hạng 5 ở chung kết hạng 55kg nữ với thành tích tốt nhất 95 kg. Đáng tiếc nhất là Nguyễn Bình An ở hạng cân 55 kg, việc tái phát chấn thương tay khiến lực sĩ này không thể có được thành tích như ý.
Như Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Minh đã khẳng định, bất kể kết quả nào hay màu huy chương nào cũng quý giá vì đó là cố gắng của từng tuyển thủ và là nỗ lực chung của thể thao người khuyết tật Việt Nam. Những ngày vừa qua tại Paris, các VĐV người khuyết tật Việt Nam đều rất cố gắng để vượt qua khó khăn, thi đấu đạt những thông số cá nhân tốt nhất. Họ đã chiến thắng bản thân và một lần nữa khẳng định nghị lực và tinh thần của con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
“Tấm HCĐ là của chung”
Việc theo đuổi thể thao chuyên nghiệp đã là một thử thách đối với người bình thường khi phải vượt qua quá trình luyện tập chăm chỉ, nghiêm túc và đầy chông gai. Đối với người khuyết tật, thử thách ấy lại càng nhân lên gấp bội. Nhưng với nghị lực phi thường, họ đã tự rèn giũa cho mình khả năng vượt giới hạn của bản thân để trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Dù chịu nhiều thiệt thòi khi không có được một cơ thể khỏe mạnh, mang trên mình những khiếm khuyết nhưng với niềm đam mê, sự khổ luyện không ngừng nghỉ cùng với ý chí phấn đấu cao, các VĐV người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên để theo đuổi sự nghiệp.
Với các VĐV người khuyết tật, được thi đấu và cống hiến hết mình cho thể thao nước nhà là điều tuyệt vời nhất. Lê Văn Công cùng các đồng đội đã làm hết sức mình, nhất là ở các đấu trường thế giới như Paralympic để mang về tấm huy chương quý giá. Không chỉ mang vinh quang cho Tổ quốc, tấm huy chương còn là cách để họ khẳng định giá trị của bản thân, là thành quả của những nỗ lực không ngừng của “đại gia đình” Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam trên đất Pháp những ngày qua.
Sau khi giành tấm huy chương duy nhất cho thể thao nước nhà tại Paralympic Paris 2024, Lê Văn Công khẳng định tấm huy chương này không phải của riêng anh mà đó là của chung. Lực sĩ sinh năm 1984 bày tỏ: “Chiếc huy chương đồng không của riêng Công. Có thể so với hai kỳ Paralympic trước, đây là thành tích thấp nhất, bởi Công từng đoạt HCV Paralympic 2016 và HCB Paralympic 2020. Với riêng Công, chiếc huy chương đồng này mới thật sự ý nghĩa. Nhưng điều quan trọng nhất Công muốn nói, đó chính là lời cảm ơn đến lãnh đạo Nhà nước, Bộ VHTTDL, Cục TDTT, Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Sở VHTT TP.HCM, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP.HCM, ban huấn luyện tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam. Không có sự ủng hộ, giúp đỡ này, Công chắc chắn không thể đến với ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật. Đây là đấu trường mà Công luôn khao khát được tham dự”.
Lê Văn Công chia sẻ thêm: “Công cũng muốn gửi lời cảm ơn đến những người đã ủng hộ mình suốt những năm tháng đã qua. Đặc biệt là vợ con, người thân của Công đã hy sinh rất nhiều để Công có thể theo đuổi sự nghiệp thể thao. Cảm ơn các nhà tài trợ đã luôn tiếp sức cho Công trên hành trình thể thao của mình. Thế nên, tấm huy chương đồng này không phải phần thưởng của riêng Công, mà là của tất cả chúng ta”.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/the-thao-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-ket-thuc-hanh-trinh-tai-paralympic-paris-2024-tat-ca-deu-no-luc-20240909150912138.htm