Khi một chiếc xe đang bị bó thắng mà còn tăng ga nữa thì nguy cơ cháy máy rất cao. Tập yoga mà bỏ qua phần khởi động cũng vậy.
Áp lực công việc hiện nay đang cuốn những nhân viên văn phòng vào guồng máy làm việc 8 tiếng mỗi ngày, nhiều khi suốt 8 tiếng họ phải ngồi dính liền với máy tính.
Nhiều chị làm văn phòng, khi tan tầm lại vội vã trở về nhà để lo cho gia đình.
Vì vậy nhiều người đã chọn giờ nghỉ trưa để tập luyện.
Và yoga là một trong những sự lựa chọn đó.
Tuy nhiên không phải ai tập yoga cũng khỏe. Tập yoga hoặc ngồi làm việc văn phòng không đúng tư thế có khi bị đau.
Sau đây là một vài chia sẻ của thạc sĩ, y sĩ y học cổ truyền Võ Anh Tuấn gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Vội gì thì vội, nhớ không quên khâu khởi động
Khi một chiếc xe đang bị bó thắng mà còn tăng ga nữa thì nguy cơ cháy máy rất cao. Tập yoga mà bỏ qua phần khởi động cũng vậy.
Dân công sở dành buổi trưa rủ nhau đi tập yoga. Tập về, có hôm rất sảng khoái thoải mái, nhưng cũng có hôm bị đau cổ, đau vai, đau cánh tay, thậm chí đau lưng mà không biết tại sao.
Tập yoga có nhiều lợi ích. Về thể chất, giúp tăng cường sự linh hoạt, sức mạnh cơ bắp, cải thiện tư thế và tăng cường sức khỏe tim mạch…
Về tinh thần thì giúp giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, tăng cường sự tập trung, cân bằng cảm xúc…
Nếu sau buổi tập mà cảm thấy sảng khoái, thoải mái là bạn đang tập đúng. Còn ngược lại đương nhiên đã sai sót ở đâu đó.
Lỗi lớn nhất là khởi động không kỹ hoặc bỏ qua phần khởi động.
Dễ hiểu là do tập buổi trưa nên không phải lúc nào cũng đến được đúng giờ. Những hôm đến trễ cứ vậy mà nhập cuộc với cả lớp. Mọi người đang tập đến đâu mình cũng xuất phát tập từ đó.
Hậu quả là sau buổi tập bị đau cổ vai cánh tay, đau lưng…
Vì vậy, khi tập yoga thì đừng vì gấp gáp hay chậm trễ mà bỏ qua phần khởi động.
X-quang cũng không tìm ra bệnh, vì sao?
Quá trình làm việc văn phòng, sử dụng máy vi tính nhiều và tư thế ngồi không đúng, lâu ngày khiến các đốt sống cổ có xu hướng bị thoái hóa và cơ cổ có xu hướng bị xơ hóa. Tình trạng thoái hóa này sẽ gây tắc nghẽn dòng đi của “khí”.
Trong Đông y có nguyên lý “khí hành thì huyết hành, huyết hành thì khí hành”.
Khi vận động mạnh đột ngột, huyết buộc phải vận hành ở cường độ cao hơn để phân phối năng lượng, kéo theo khí cũng vận hành ở cường độ cao hơn.
Khi khí vận hành ở cường độ cao hơn mà bị nghẽn sẽ tạo ra phản lực. Chính phản lực này gây ra cảm giác đau.
Điều này cũng tương tự tình trạng một chiếc xe đang bị bó thắng mà còn tăng ga nữa sẽ có nguy cơ cháy máy.
Trước tiên là đau cổ vai cánh tay, tiếp theo là đau lưng. Đồng thời với đó có thể là tăng huyết áp tạm thời, nhức nửa đầu hoặc rối loạn tiền đình.
Điều khiến nhiều thầy thuốc bối rối khi khám cận lâm sàng là trên phim X-quang không thấy bất thường, mặc dù bệnh nhân đang đau. Lý do là vì X-quang không chụp được khí.
Ban đầu là đau. Sau đó những điểm đau này có kết hợp sưng. Nếu không kịp thời trị liệu, có thể bị viêm với triệu chứng đầy đủ là sưng, nóng, đỏ và đau.
Những bài tập khởi động yoga được thiết kế bao gồm cả mục đích làm mềm và linh hoạt cơ bắp. Nhờ vậy những điểm gây nghẽn khí cũng đã được khơi thông phần nào.
Sau đó, những bài tập chính thức tiếp theo sẽ giúp người tập đạt được những hiệu quả như đã mô tả bên trên.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tap-yoga-sau-buoi-tap-neu-sang-khoai-la-tap-dung-con-khong-thi-20241214110456491.htm