Bích Ngọc (Thực hiện)
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) là một trong những công tác tạo nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Thời gian qua, ngành Giáo dục thành phố tập trung công tác này và đạt những thành tựu đáng kể, dù gặp không ít khó khăn, thách thức. Về công tác này, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết:
– Công tác xây dựng trường đạt CQG được xác định là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh toàn ngành đang trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đánh giá đúng vị trí, vai trò, mục tiêu quan trọng của việc xây dựng trường đạt CQG nhằm đáp ứng các mục tiêu giáo dục, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật Giáo dục, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 20-5-2022 về kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt CQG trên địa bàn thành phố đến năm 2025.
* Xin ông cho biết đánh giá về công tác xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn thành phố?
– Việc xây dựng trường đạt CQG đã tạo thêm động lực cho các trường học trong việc nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, góp phần vào thành tích chung của toàn thành phố. Trong thời gian qua, các trường học, cơ sở giáo dục luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm và chương trình kế hoạch của Bộ GD&ĐT trong thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng hoạt động. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn có những chuyển biến rõ nét, vững chắc ở các cấp học, có nhiều mô hình và giải pháp đặc thù đạt hiệu quả cao.
Tính đến thời điểm hiện tại, lũy kế số trường được công nhận đạt CQG của thành phố là 345 trường, đạt tỷ lệ 77,18% tổng số trường trên địa bàn. So với năm học 2021-2022, tính đến thời điểm hiện nay của năm học 2022-2023, số trường đạt CQG tăng 9 trường.
Một góc Trường THPT Thới Lai, trường đạt CQG. Ảnh: B.NG
* Những giải pháp, kinh nghiệm của ngành trong quá trình xây dựng trường đạt CQG là gì, thưa ông?
– Ngành Giáo dục thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân quan tâm, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân để đóng góp xây dựng trường đạt CQG. Sở GD&ĐT thành phố chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện rà soát, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp cụ thể để giải quyết các khó khăn, vướng mắc để hoàn thành chỉ tiêu về công tác xây dựng trường đạt CQG năm 2022, 2023 và các năm tiếp theo. Cùng với đó, Sở chủ động đôn đốc, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá, đảm bảo đúng quy trình theo quy định.
Từ những giải pháp nêu trên đồng thời thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND, phấn đấu năm 2023 thành phố sẽ công nhận thêm 10 trường đạt CQG, nâng tổng số trường đạt CQG của Cần Thơ lên 355 trường, đạt 79,6%.
* Thưa ông, hiện nay công tác này gặp những khó khăn nào và ngành cần sự hỗ trợ gì để nâng cao hiệu quả công tác này?
– Trong xây dựng trường đạt CQG, ngành Giáo dục thành phố hiện nay còn gặp một số khó khăn như một số trường học còn chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thiếu các phòng bộ môn, thiết bị thí nghiệm thực hành. Một số trường học còn thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; một số giáo viên chưa thật sự nhiệt tình trong công tác, chậm đổi mới phương pháp dạy học. Chất lượng học tập của học sinh không đồng đều.
Từ kết quả công tác xây dựng trường đạt CQG thời gian qua, nhằm khắc phục những khó khăn trên để thực hiện đạt chỉ tiêu xây dựng trường đạt CQG theo kế hoạch chung, ngành GD&ĐT thành phố đã xác định những giải pháp trọng tâm. Cụ thể là, tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện đầu tư kinh phí, quy hoạch đảm bảo các điều kiện chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị trường học; có đủ phòng học, phòng học bộ môn và các phòng chức năng theo đúng tiêu chí của trường CQG. Đồng thời kịp thời điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý, tuyển dụng giáo viên, nhân viên theo quy định đối với các trường đăng ký đánh giá ngoài để được công nhận đạt CQG theo Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 20-5-2022 của UBND thành phố.
Bên cạnh đó, ngành cử giáo viên ở các cơ sở giáo dục trực thuộc và phối hợp với UBND quận, huyện cử giáo viên theo học các lớp đào tạo trên chuẩn tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài thành phố. Qua đó, nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong đội ngũ nhà giáo. Chỉ đạo các nhà trường tăng cường hoạt động chuyên môn, đổi mới nội dung sinh hoạt tổ, khối; thực hiện nghiêm túc chương trình bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng trong hè theo sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.
Về nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, ngành tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ; tích cực thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; thực hiện tốt kế hoạch, chương trình giáo dục; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định, nâng dần tỷ lệ học sinh khá – giỏi về học lực, tốt – khá về hạnh kiểm. Đồng thời thực hiện tốt tuyên truyền về công tác xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực của toàn xã hội cùng chăm lo cho công tác giáo dục; qua đó, tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học như các hạng mục công trình nhỏ, đồ dùng, thiết bị dạy học… góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng trường đạt CQG của thành phố.
* Xin cảm ơn ông!