(MPI) – Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 là tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, về cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế. Ưu tiên phát triển, làm chủ công nghệ mới, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải các-bon thấp, các loại vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên (cát nghiền, cát biển, tro, xỉ, thạch cao…).
Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Triển khai Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế.
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, bền vững để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng du lịch, nhất là tình trạng quá tải tại các cảng hàng không, giá vé máy bay cao; cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch.
Tiếp tục phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí logistics. Thúc đẩy mở rộng mạng lưới các tuyến vận tải biển chuyên tuyến, triển khai hiệu quả các Hiệp định vận tải hàng hóa và hành khách qua biên giới.
Nghị quyết cũng nêu rõ: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, nhất là đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh mới phát sinh trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời, mở rộng cơ sở thuế.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công (cả ngân sách trung ương và địa phương) theo hướng tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Kiên quyết không đầu tư dàn trải, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 bảo đảm không quá 3000 dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương. Trung ương chỉ đầu tư các dự án kết nối vùng, kết nối khu vực, kết nối quốc tế. Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công tư.
Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Tập trung thực hiện phương án xử lý và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Tăng cường, nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém, có nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động. Nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường xử lý nợ xấu.
Nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước một cách toàn diện, minh bạch, hiệu quả, bền vững, bảo đảm tương xứng với nguồn lực nắm giữ thông qua đổi mới quản trị, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tập trung tổ chức triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng nội dung, kế hoạch, tiến độ và quy định của pháp luật để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Quyết liệt chỉ đạo, xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là vấn đề phát hành trái phiếu, cổ phiếu, bảo lãnh phát hành của doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan.
Tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác, nhất là với doanh nghiệp nhà nước./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2025-1-14/Tap-trung-thuc-hien-co-cau-lai-cac-nganh-linh-vuc-0ws56x.aspx