Sáng 10/5, Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc các tháng đầu năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Khánh Linh
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết quý I/2023, GRDP của tỉnh giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng giảm 6,69%, ngành nông nghiệp tăng 2,46%, riêng ngành dịch vụ duy trì được mức tăng 8,91% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết quý I/2023, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã giao chi tiết là 7.901 tỷ đồng. Trong tháng 4, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phân bổ tiếp 3.105,1 tỷ đồng vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh cho đầu tư công, nâng tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh lên 11.006,2 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu chào mừng Đoàn công tác của Chính phủ. Ảnh: Khánh Linh
Lũy kế khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh trong quý I đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% so với kế hoạch vốn đã giao (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022); cao hơn so với mức bình quân của cả nước (10,35%) và xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.
Về kim ngạch xuất khẩu, tính đến ngày 15/4, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.414,32 triệu USD, tăng 8,88% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tính đến ngày 15/4, ước đạt 3.909,63 triệu USD, giảm 2,73% so với cùng kỳ.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong các tháng đầu năm nay như ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, trong khi Vĩnh Phúc là địa phương có độ mở kinh tế cao nên chịu tác động rất mạnh từ kinh tế thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu khẳng định, Vĩnh phúc luôn chủ động ứng phó trước diễn biến bất thường của nền kinh tế hiện nay. Ảnh: Khánh Linh
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của lạm phát cao, tiêu dùng sụt giảm mạnh từ cuối năm 2022 dẫn đến thiếu hụt một số linh kiện sản xuất của một số chuỗi cung ứng trên địa bàn. Trong 2 năm liên tiếp (2021 – 2022), Vĩnh Phúc duy trì tăng trưởng ở mức cao, nằm trong top những tỉnh dẫn đầu của cả nước khiến mẫu so sánh các năm trước là tương đối cao.
Đặc biệt, ngành công nghiệp của tỉnh với các lĩnh vực chủ lực như công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất linh kiện điện tử… chỉ số sản xuất tụt giảm mạnh so với cùng kỳ, ước 4 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp IIP giảm 2,85%…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định: Những biến động tiêu cực đó hoàn toàn nằm trong dự liệu của Vĩnh Phúc do đã có những dự báo từ trước. Nhờ đó, tỉnh đã chủ động nhận diện được những khó khăn vướng mắc, chỉ ra được nguyên nhân và đề xuất được những giải pháp khắc phục.
Đồng thời, nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm ổn định với việc bám sát tinh thần nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, trong đó có mục tiêu nhất quán là người dân phải được hưởng thành quả của sự phát triển.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả đạt được của Vĩnh Phúc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện tốt các quy định, định hướng của Trung ương… phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời những khó khăn để các dự án trên địa bàn sớm đi vào hoạt động; khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh, tích hợp điều chỉnh phù hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, để từ đó tạo cơ sở, tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chính quyền số nhằm giảm thời gian của người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương chỉ đạo, điều hành ở các cấp, mở rộng dân chủ, phát huy vai trò MTTQ ở cơ sở;.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; chú trọng nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách huy động tốt nhất các nguồn lực trong xã hội; tăng cường đối thoại, hỗ trợ tốt nhất các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở trên địa bàn, lưu ý đến viễn thông và logistics; đổi mới nâng cao công tác xúc tiến thương mại…
Đối với các kiến nghị đề xuất của tỉnh và các ban, ngành tại buổi làm việc, Đoàn công tác sẽ tiếp thu báo cáo Chính phủ thống nhất chỉ đạo trong thời gian tới.
Thiệu Vũ