(QNO) – Đó là yêu cầu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng – Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tỉnh tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở 6 tháng đầu năm, diễn ra chiều nay 4/7.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung – Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ cở cho biết, thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, tăng cường xúc tiến đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực đăng ký thành lập doanh nghiệp, đất đai, xây dựng; hướng dẫn và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 293/364 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, hợp tác xã có tổ chức Công đoàn hội nghị người lao động, đạt tỷ lệ 80,5%. Tính đến ngày 31/5/2023, có 215/293 doanh nghiệp tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 73,3%.
Thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung, trong 6 tháng đầu năm, Ban Thanh tra nhân dân đã giám sát 85 vụ việc, phát hiện và kiến nghị xử lý 32 vụ việc.
Trong khi đó, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng giám sát 394 công trình, dự án và đã phát hiện, kiến nghị xử lý 60 công trình, dự án có dấu hiệu vi phạm. Các tổ hòa giải cơ sở tích cực tham gia giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong dân, hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đánh giá, điểm sáng nổi lên trong 6 tháng đầu năm là Ban Chỉ đạo các cấp đã tập trung tham mưu khắc phục những tồn tại, hạn chế và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện QCDC ở cơ sở được chỉ ra năm 2022.
Từ đó, góp phần quan trọng cùng với tỉnh triển khai quán triệt, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhất trong công tác nắm tình hình, phát huy dân chủ ở cơ sở, tiếp dân ở các cấp, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra…
Phân tích về những hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chung của tỉnh 6 tháng đầu năm, đồng chí Lê Văn Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục tham mưu chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tại địa phương, đơn vị mình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phản biện, góp ý của Ban Chỉ đạo để các cấp các cấp, ngành chăm lo thực hiện tốt nhiệm vụ này gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số thật sự hiệu quả, không gây phiền hà cho người dân.
Đặc biệt, Ban Dân vận cấp ủy các cấp tập trung tham mưu cấp ủy, chính quyền đối thoại với nhân dân ở những nơi đang có vấn đề nổi lên và giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, nổi cộm tại các địa bàn dân cư.
“Chúng ta chăm lo phát huy dân chủ, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, song cũng kiên quyết đấu tranh với các tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định trật tự ở cơ cở” – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, 450 đại biểu dự hội nghị ở các điểm cầu tỉnh, huyện, xã đã nghe PGS-TS. Hồ Tấn Sáng – nguyên Trưởng khoa Chính trị học (Học viện Chính trị khu vực III) quán triệt, tuyên truyền Luật Thực hiện QCDC ở cơ sở.
Luật gồm 6 chương và 91 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo tính thực thi và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.