Khu vực bến sông xã An Qui, huyện Thạnh Phú – nơi dự kiến là điểm xây dựng cầu Cổ Chiên 2 nối với tỉnh Trà Vinh.
Tuyến đường bộ ven biển
Những điểm mới nhất về tình hình tuyến đường bộ ven biển được Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào ngày 15-6-2023, để các sở, ngành, địa phương cùng phối hợp thực hiện.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chốt được 16 dự án cho toàn bộ tuyến đường bộ ven biển ĐBSCL. Hiện Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến, tuyến đường bộ ven biển tỉnh sẽ được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn có điều chỉnh, trong đó có phần bố trí nguồn vốn nước ngoài cho 16 dự án này.
Theo phương án đã trình, tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn tỉnh có 4 cây cầu, gồm: Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Tổng chiều dài tuyến trên 48km. Tỉnh sẽ có 2 nguồn vốn để thực hiện, một là nguồn vốn đầu tư công trung hạn có điều chỉnh 2.255 tỷ đồng, hiện tỉnh đã được phân bổ 1.500 tỷ đồng (vốn đầu tư cầu Bình Thới 2 chuyển sang). Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh: “Tỉnh đã đủ điều kiện để khởi công ngay tuyến đường bộ ven biển cho đoạn nằm trong vốn ngân sách nhà nước. Chúng ta đang tập trung toàn bộ cho phần tư vấn thiết kế cầu Ba Lai 8 và 10km (sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025), do đó, các ngành được giao phải hết sức khẩn trương”.
Hai là, phần còn lại 38km và cầu Hàm Luông 2 thì sử dụng vốn vay ODA (Nhà nước cấp phát 90%, tỉnh vay 10%). Riêng 2 cầu liên tỉnh Cửa Đại (với Tiền Giang), Cổ Chiên 2 (với Trà Vinh) thì Trung ương đầu tư 100% bằng vốn vay ODA cấp phát 100%. Giải phóng mặt bằng thì của tỉnh nào, tỉnh đó làm. Về tiến độ đầu tư tuyến đường bộ ven biển, hiện tỉnh đã thực hiện các công đoạn làm việc với các bên liên quan để điều chỉnh đề xuất đầu tư dự án trình Thủ tướng Chính phủ.
Từ đây đến tháng 12-2024, tỉnh sẽ trải qua 4 công đoạn để thực hiện xong phần vốn vay ODA thực hiện tuyến đường bộ ven biển, gồm: Tháng 7-2023 trình bộ, ngành Trung ương phê duyệt đề xuất đầu tư. Cuối năm 2023, phê duyệt chủ trương đầu tư. Giữa năm 2024, phê duyệt dự án. 6 tháng còn lại của năm 2024, đàm phán ký kết hiệp định để vay phần vốn hơn 4.800 tỷ đồng.
Trước mắt, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển bằng vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, nối tiếp sau đó bằng vốn ODA.
Phát triển bền vững
Tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, tập trung đầu tư các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đưa vào vận hành 1.500MW, xúc tiến kêu gọi đầu tư triển khai dự án năng lượng khí (LNG).
Qua tập trung kêu gọi đầu tư, hỗ trợ để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 dự án điện gió phát điện thương mại, với công suất 93,05MW. Ngoài ra, có 273,45MW điện gió đã lắp đặt hoàn thành nhưng chưa vận hành do đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương. Trình Bộ Công Thương kiến nghị chọn dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro xanh tại Việt Nam; quyết định thành lập Tổ công tác về xây dựng tổ hợp Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre.
Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận và dự án Khu nhà ở công nhân và tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến đến cuối tháng 6-2023 sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bàn giao mặt bằng để thi công 2 gói thầu, gồm: Gói thầu tuyến đường N3, D1 (đoạn từ N3 đến N4) và Gói thầu đường D3 (đoạn từ N3 đến N4). Dự án đầu tư Khu nhà ở công nhân và tái định cư hiện đã hoàn thành phần san lấp mặt bằng 300 nền tái định cư (từ lô LK-01 đến LK-06) đủ điều kiện để người dân xây dựng nhà ở, 332 nền còn lại (từ lô LK-07 đến LK-13) đang tiếp tục thi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 6-2023 để bố trí tái định cư cho các hộ dân. Việc triển khai kế hoạch phát triển cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố được tập trung thực hiện.
Bên cạnh đó, một số khó khăn được chỉ ra như: tiến độ xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp chậm nên không tạo quỹ đất sạch kịp thời phục vụ mời gọi đầu tư tạo nguồn lực phát triển công nghiệp. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Dự án điện gió đã lắp đặt hoàn thành (273,45MW) nhưng chậm hòa lưới do Bộ Công Thương, EVN chậm trong việc ban hành các văn bản thực hiện.
Nghị quyết phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, phát triển tỉnh về hướng Đông là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Hàng loạt nhiệm vụ được đặt ra đòi hỏi niềm tin, sự đồng thuận và thống nhất của cả hệ thống chính trị; thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của hệ thống chính quyền; huy động mọi nguồn lực thực hiện đạt mục tiêu đề ra.
Một trong những quan điểm của tỉnh khi phát triển về hướng Đông là nhằm cải tạo cảnh quan biển, mở ra không gian phát triển mới cho địa phương và của khu vực, thúc đẩy liên kết trong toàn vùng; là động lực tạo sự đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo