Theo đó, mục đích, yêu cầu nhằm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/72021 của Tỉnh ủy về xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2025; Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí huyện NTM; quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 1306/QĐ-UBND, ngày 13/7/2022 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí xã NTM và Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ XDNTM giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 54/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh thông qua Đề án xây dựng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025.
XDNTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt trong giai đoạn 2016 – 2021, đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh” và phải tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã trong tỉnh; thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí trên cơ sở kế thừa, lồng ghép với các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, phong trào vận động Nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn,…
Cầu nông thôn ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long. Ảnh: BTV
Tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm để dồn sức xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025.
Về mục tiêu chung: nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn tỉnh, chú trọng XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu từ tỉnh đến cơ sở một cách đồng bộ, gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới.
Xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp và an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; nâng cao toàn diện chất lượng XDNTM trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM các cấp trên cơ sở những tiêu chí đã đạt được nhằm tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể: phấn đấu trước năm 2025 tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, 100% huyện đạt chuẩn NTM, 20% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Cụ thể: năm 2023 có 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (huyện Trà Cú), đạt 100%; 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện Cầu Kè), đạt 11,11%; có 10 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao (Hòa Ân, huyện Cầu Kè; Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải; Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải; Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang; Tập Sơn, huyện Trà Cú; Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần; Tân An, An Trường A, huyện Càng Long; Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) và 03 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (Phong Thạnh, huyện Cầu Kè; Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần và Long Hiệp, huyện Trà Cú), đạt 50%; năm 2024 có thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (huyện Tiểu Cần), có 60% tổng số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao.
Người dân xã Long Hiệp tham gia các hoạt động vệ sinh, trồng hoa trên tuyến đường, góp phần XDNTM Ảnh: BTV
Để đạt được mục đích, yêu cầu và các mục, chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:
Đối với các xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2016 – 2021 và các xã dự kiến đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023: rà soát, xây dựng đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Tập trung vào các tiêu chí có nguy cơ không duy trì được mức đạt chuẩn như: giao thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; môi trường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế;… và tiêu chí mới chất lượng môi trường sống.
Đối với 10 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (Hòa Ân, huyện Cầu Kè; Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải; Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải; Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang; Tập Sơn, huyện Trà Cú; Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần; Tân An, An Trường A, huyện Càng Long; Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) và 03 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 (Phong Thạnh, huyện Cầu Kè; Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần và Long Hiệp, huyện Trà Cú): Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện đạt các tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 1306/QĐ-UBND, ngày 13/7/2022 của UBND tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ để trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định công nhận.
Các sở, ban, ngành tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1659/QĐ-UBND, ngày 15/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn địa phương kiểm tra, rà soát từng nội dung, tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và đánh giá, xác nhận mức độ đạt chuẩn đối với các nội dung, tiêu chí được phân công phụ trách. Đồng thời, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025, nghiên cứu vận dụng, lồng ghép, xử lý cho phù hợp để kịp thời hỗ trợ các huyện tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung có liên quan đến XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Đối với các huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2022 – 2025: tập trung nguồn lực của Trung ương và của tỉnh phân bổ xây dựng hoàn thiện các tiêu chí theo yêu cầu của Bộ tiêu chí huyện NTM; quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1039/QĐ-UBND, ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh), tập trung vào các tiêu chí khó đạt như: Tiêu chí số 5 về y tế – văn hóa – giáo dục; tiêu chí số 6 về kinh tế; tiêu chí số 7 về Môi trường; tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị – An ninh trật tự – Hành chính công.
Tuyến đường từ trung tâm thị trấn Tiểu Cần đến Tỉnh lộ 912 được xây dựng góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Tiểu Cần.
Đối với các đơn vị cấp huyện đã đạt chuẩn huyện NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2021: đầu tư nâng chất hoàn thiện các tiêu chí, đồng thời cập nhật các tiêu chí theo yêu cầu mới của Bộ tiêu chí huyện NTM; quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Tập trung vào các tiêu chí có nguy cơ không duy trì được mức đạt chuẩn như: Tiêu chí số 5 về y tế – văn hóa – giáo dục; tiêu chí số 6 về kinh tế; tiêu chí số 7 về môi trường; tiêu chí số 9 về hệ thống chính trị – an ninh trật tự – hành chính công.
Đối với các huyện dự kiến đạt chuẩn huyện NTM nâng cao: tiếp tục rà soát bổ sung điều chỉnh phù hợp theo định hướng phát triển đô thị. Đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn; đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng thiết yếu, bảo đảm kết nối thông suốt giữa các vùng. Đảm bảo các tuyến đường huyện đã được nhựa, bê tông đạt chuẩn theo quy định phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và phát triển du lịch, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp và an toàn. Nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông đến trung tâm xã đạt chuẩn. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông trên các tuyến đường huyện. Đối với các nội dung thực hiện tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM: các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện đảm bảo đạt 08 nội dung theo quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2023-2024 là: 15.904,613 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trực tiếp xây dựng chương trình 466,213 tỷ đồng; vốn lồng ghép 1.510,3 tỷ đồng; vốn tín dụng 12.250 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 721,6 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng 956,5 tỷ đồng.
Sản phẩm nước mắm cá cơm của Công ty TNHH một thành viên An Tâm food, Ấp 3, xã An Trường, huyện Càng Long được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao theo Quyết định số 1693/QĐ-UBND, ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp của Đề án xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025 được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 54/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022. Đồng thời đề nghị Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”; huy động nguồn lực, vốn từ người dân, của cộng đồng tham gia XDNTM. Phát huy vai trò chủ thể, tính tự quản trong phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội; tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả XDNTM theo quy định.
Các tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của đơn vị, theo hướng dẫn của Trung ương chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực, phối hợp để tuyên truyền, vận động, khích lệ, động viên các cá nhân, tổ chức cùng đồng lòng chung sức XDNTM. Lựa chọn, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, mô hình bảo vệ môi trường, gương người tốt, việc tốt,… trong đoàn viên, hội viên. Đồng thời, tập trung xây dựng các mô hình mới hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện NTM nâng cao.
Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, Báo Trà Vinh: tiếp tục bố trí thời gian và thời lượng thích hợp để phát sóng chuyên mục về XDNTM; tăng cường, lồng ghép mở thêm các chuyên mục về triển khai thực hiện các nội dung Chương trình NTM nói chung và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nói riêng ở các địa bàn, khu vực nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, cách làm của những địa phương làm tốt, mô hình hay, những gương điển hình tiêu biểu, các sản phẩm đã được chứng nhận tham gia Chương trình OCOP của tỉnh.
CÔNG THÀNH