Trong hai ngày 01 – 02/10/2024, Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2024 sẽ được tổ chức tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là sự kiện kết nối và quy tụ các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam nhằm ghi nhận những kết quả đạt được trong 5 năm qua và tôn vinh những đóng góp của các chủ thể vào sự phát triển của hệ sinh thái, trong đó NIC đóng vai trò là đầu mối dẫn dắt.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI) |
Trước thềm sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trao đổi nhanh với báo chí xung quanh các hoạt động về ĐMST và đặc biệt là sự phát triển của NIC trong 5 năm qua.
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng chia sẻ về quá trình thành lập NIC, quá trình NIC triển khai hoạt động kết nối các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong 5 năm qua (2019 – 2024)?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: NIC ra đời vào đúng dịp Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước 10 năm 2021 – 2030, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển đất nước giai đoạn 2030 – 2045 rất cao. Theo Chiến lược này, đến năm 2030, đất nước chúng ta phải thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, là nước phát triển có thu nhập cao. Quỹ thời gian để đạt mục tiêu không còn nhiều, trong khi đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 phát triển như vũ bão. Do đó, để đạt được mục tiêu trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, Bộ KH&ĐT nhận thức được rằng, bản chất, gốc rễ của sự phát triển vẫn là khoa học công nghệ, ĐMST. Xuất phát từ nhận thức đó, Bộ đã tham mưu cho Đảng đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và coi đây là đột phá chiến lược bên cạnh 3 đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đây cũng là tinh thần chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng sắp tới đây, tạo tiền đề, động lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thực tế cho thấy, chỉ có lấy KHCN, ĐMST làm động lực đột phá phát triển, Việt Nam mới tranh thủ được cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước.
Vì lẽ đó, Bộ đã nhen nhóm ý định hình thành một Trung tâm ĐMST quốc gia hiện đại, đồng bộ, tầm cỡ của khu vực và thế giới, qua đó, xây dựng một hệ sinh thái ĐMST, thúc đẩy nghiên cứu KHCN và ĐMST đồng thời từng bước dẫn dắt, lan tỏa, đưa nền kinh tế Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và dựa trên Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với công ty tư vấn hàng đầu của thế giới để nghiên cứu xây dựng một đề án thành lập Trung tâm này. Sau khi lấy ý kiến các Bộ, ngành cùng các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước tất cả đều đánh giá, hoan nghênh cao. Và Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) đã chính thức thành lập theo Quyết định 1269/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 2/10/2019.
NIC tại Hòa Lạc (Ảnh: MPI) |
Được thành lập và đi vào hoạt động, NIC đã luôn chứng minh vai trò hạt nhân của hệ sinh thái, kết hợp được giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các viện – trường đến các trung tâm nghiên cứu, tổ chức tài chính, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo… để hỗ trợ nghiên cứu công nghệ mới, khởi nghiệp (startup)… thể hiện tính dẫn dắt, xây dựng, phát triển hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam và hiện được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
Hoạt động của NIC trong 5 năm qua vượt muôn vàn khó khăn, nhưng quan trọng hơn cả là nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ, ngành. Đến nay, về cơ bản đã bước đầu có những thể chế cho ĐMST nói chung, còn lại Bộ KHCN tiếp tục hoàn thiện. Riêng với Bộ KH&ĐT, đơn vị đã chuyển hóa một số nội dung vào trong Luật Thủ đô, Nghị định 94 (hiện nay đang sửa đổi lần nữa). Về cơ sở vật chất, đã hình thành 2 cơ sở gồm: Tòa nhà ở Tôn Thất Thuyết (Hà Nội) đang hoạt động rất hiệu quả, được coi là một trong những trung tâm tốt nhất Việt Nam hiện nay; cơ sở Hòa Lạc đã xây dựng rất quy mô với sự tài trợ của nước ngoài, với 9 ngành công nghệ mũi nhọn ưu tiên lựa chọn đang dần hình thành. Trụ sở của NIC ở Hòa Lạc đến nay đã được tổ chức xếp hạng của thế giới đặt tại Singapore bình chọn là một trong hai tòa nhà thương mại tốt nhất châu Á 2024.
Có thể thấy, hoạt động của NIC rất mới, làm nhiều việc, hình thành thể chế, cơ sở vật chất, bộ máy. Quan trọng nhất là quá trình triển khai được tiến hành song song, trong lúc xây dựng cơ sở vật chất vẫn tổ chức các hoạt động liên quan đến ĐMST, các hoạt động hội nghị hội thảo tư vấn, ươm tạo, hỗ trợ… cho startup, tổ chức diễn đàn cho các quỹ đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp. Hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ đã được hưởng lợi từ Trung tâm, nhất là trong hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp.
PV: Vậy theo Bộ trưởng, trong suốt 5 năm qua, chúng ta đã thiết kế những chính sách đặc thù nào dành cho ĐMST, cụ thể với NIC?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong các chính sách liên quan tới ĐMST, việc NIC hỗ trợ cho startup là rõ nhất. Các startup sẽ được tư vấn, hỗ trợ kết nối các nguồn lực, các quỹ, các doanh nghiệp để được nghiên cứu, tư vấn trên cơ sở phù hợp nhu cầu song song với kết nối và hỗ trợ được cho các địa phương, doanh nghiệp trong giải quyết các bài toán liên quan tới ĐMST. Cơ chế đột phá là vướng mắc chung nhưng sẽ giải quyết được đầu tiên ở NIC.
Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thực tế cũng đã có một số bất cập, tồn tại cần khắc phục. Đó là việc chúng ta có cơ sở vật chất nhưng không quyết định được việc cho thuê, kinh doanh, liên kết, cho mượn… Các thủ tục đang rất phức tạp do quy định của Luật Quản lý tài sản công. Do đó, Bộ KH&ĐT cũng đang báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội cho phép đưa vào Luật Thủ đô nội dung NIC được tự quyết sử dụng cơ sở vật chất của mình, không cần làm các thủ tục như quy định hiện hành, tạo cơ chế “mở”, tăng thêm ưu thế chủ động của NIC, góp phần sử dụng linh hoạt, hiệu quả tài sản đối với gia tăng hiệu suất các hoạt động ĐMST.
Công nghệ bán dẫn đang là một trong các lĩnh vực trọng tâm Việt Nam hướng tới và được NIC đầu tư đẩy mạnh. (Ảnh: PV) |
PV: Để thúc đẩy sự phát triển hoạt động ĐMST nói chung và của NIC nói riêng, chúng ta có chiến lược, kế hoạch như thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Yêu cầu đầu tiên là hình thành cơ chế chính sách đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, làm sao để vận hành tốt nhất theo chuẩn quốc tế.
Thứ hai, hoàn chỉnh và kiện toàn cơ sở vật chất, các trung tâm nghiên cứu, phòng lab, khu nhà ở cho chuyên gia. Hiện nay, tại địa điểm NIC trên Hòa Lạc đang rất thiếu mà nếu không có các cơ sở thì khó để giữ chân chuyên gia ở lại.
Thứ ba, nhanh chóng hình thành 9 ngành công nghệ mũi nhọn, trọng tâm, trọng điểm trong đó đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, an ninh mạng, môi trường, y tế, bán dẫn, hydrogen… đặc biệt tập trung nhất vào công nghệ bán dẫn với việc mở các trung tâm nghiên cứu, đào tạo. Căn cứ vào nhiệm vụ tới đây NIC được giao là quản lý chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn thì yêu cầu tập trung cho lĩnh vực này là khả thi.
Chính phủ đang đặt ra mục tiêu rất tham vọng và có tính chiến lược, đó là, từ nay đến năm 2050, đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn, cung cấp cho thị trường Việt Nam và có thể là nước ngoài. Với lợi thế chính sách này, cần phải tận dụng ngay cơ hội. Cộng với việc bản thân Việt Nam đang có nguồn lực rất mạnh là con người; nhu cầu rất lớn, con người rất sẵn, chúng ta sẽ đào tạo được và có quyền tin tưởng Việt Nam sẽ nhanh chóng vươn lên, chiếm lĩnh thị phần trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Bản thân NIC cũng đang tổ chức rất mạnh lĩnh vực này.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: https://dangcongsan.vn/kinh-te/tap-trung-nguon-luc-de-trung-tam-doi-moi-sang-tao-quoc-gia-phat-huy-toi-da-hieu-qua-679255.html