Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), giáo dục mầm non hiện nay đang phải đổi mặt với nhiều cái khó, trong đó khó nhất là tình trạng thiếu giáo viên xảy ra tại nhiều địa phương, chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non chưa tương xứng… Do đó, để tiến tới phổ cập giáo dục cho trẻ từ 3 – 5 tuổi cần sớm tháo gỡ các vướng mắc.
Tại phiên họp tham vấn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho hay, chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi đã được thể hiện trong các văn bản của Đảng và Chính phủ. Trước thực trạng, nhu cầu, đòi hỏi từ thực tế của bậc học này, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 – 5 tuổi. Thời gian qua, Bộ GDĐT đã xây dựng, đánh giá, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và đến thời điểm này đã có Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 – 5 tuổi.
Trên thực tế, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập hiện nay vẫn là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Việc tuyển dụng giáo viên mầm non ở một số địa phương không đáp ứng được nhu cầu do áp lực công việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian làm việc kéo dài và thu nhập thấp.
Trước đó, Bộ GDĐT cho biết, biên chế giáo viên mầm non dự báo thiếu đến năm 20230 là hơn 55 nghìn biên chế. Bộ Chính trị đã giao theo Quyết định số 72 là hơn 13 nghìn biên chế; còn hơn 26 nghìn chỉ tiêu sẽ được Bộ Chính trị tiếp tục giao trong giai đoạn từ 2024- 2026. Tuy nhiên số liệ biên chế chưa sử dụng của các tình, thành phố (đến thời điểm tháng 8/2023) còn khoảng hơn 28 nghìn chỉ tiêu chưa tuyển.
Tính đến năm 2030, cả nước thiếu hơn 39 nghìn phòng học, cần bổ sung hàng nghìn bộ thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhu cầu kinh phí dự báo để bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị là hơn 32 nghìn tỷ đồng, cần bổ sung hơn 6 nghìn tỷ đồng/năm.
Trong dự thảo Nghị quyết đang xây dựng, Bộ GDĐT có quy định cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo nguồn lực để thực hiện phổ cập giáo dục mâm non cho trẻ từ 3 – 5 tuổi. Trong đó có chính sách cho đối tượng trẻ em yếu thế; chính sách cơ chế cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và cơ chế chính sách để đầu tư cho vùng khó khăn và xã hội hóa nhằm phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.
Vừa qua, đóng góp ý kiến đối với các nội dung của dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi, GS.TS Nguyễn Văn Minh – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý đến các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên mầm non, đặc biệt tại địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất đồng thời lưu ý cần có các quy định cụ thể, chi tiết về công tác về xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non.
Ông Võ Văn Minh – Phó Giám đốc Sở GDĐT Quảng Trị phân tích, thời điểm này là thời điểm chín muồi, cần thiết để ban hành Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi và cần tập trung nguồn lực để phát triển mục tiêu đề ra. Theo ông Minh, tỷ lệ kiên cố hóa đối với cấp học mầm non đang thấp nhất trong tất cả các cấp học. Nếu không ưu tiên, bố trí nguồn lực để xóa phòng học tạm, kiên cố hóa trường lớp thì sẽ không đạt mục tiêu đề ra, nguy cơ việc không công bằng trong việc tiếp cận giáo dục cũng có thể xảy ra…
Nhiều đại biểu cho rằng sự tham gia, đóng góp của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đóng vai trò quan trọng trong công tác phổ cập giáo dục trẻ mầm non từ 3-5 tuổi. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh tới vai trò của việc phân cấp, phân quyền về cho địa phương khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ em từ 3-5 tuổi. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu cách tiếp cận về phổ cập nhằm tạo cơ hội cho trẻ sẵn sàng tâm thế tới trường. Theo đó, tiểu ban Giáo dục mầm non, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất từ các địa phương để có thật nhiều dữ liệu, tham mưu cho Bộ GDĐT hoàn thiện dự thảo trong thời gian tới.
Hiện nay, cả nước có 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi được nuôi dưỡng tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở giáo dục công lập. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo từ 3 – 5 tuổi đạt 93,6%. Tỷ lệ trường mầm non dân lập tư thục chiếm 20,8%.
Nguồn: https://daidoanket.vn/pho-cap-giao-duc-cho-tre-mau-giao-tap-trung-nguon-luc-de-dat-muc-tieu-10297667.html