Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, ông Vũ Đình Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho biết, Viện được thành lập theo Quyết định số 815/QĐ-TTg về việc thành lập Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 7 /7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học môi trường trực thuộc Tổng cục Môi trường và Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Ngày 29/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 2818/QĐ-BTNMT, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện.
Theo ông Hiếu, năm 2023, được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị chức năng của Bộ; sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực, cố gắng của toàn thể viên chức và người lao động trong Viện, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của Viện đã được triển khai tích cực và khẩn trương, đến nay đã hoàn thành cơ bản kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ năm 2023, góp phần đáng kể trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Cụ thể, trong năm 2023, Viện Khoa học môi trường được giao triển khai thực hiện 1 đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ chuyển tiếp và 1 đề tài KHCN cấp Bộ và 2 đề tài cấp cơ sở mở mới, 4 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và 4 nhiệm vụ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường; Viện Nghiên cứu biển và hải đảo được giao thực hiện 2 đề tài NCKH cấp nhà nước, 1 đề tài NCKH cấp Bộ, 5 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và 1 nhiệm vụ nguồn sự nghiệp môi trường. “Đến nay, toàn bộ các đề tài, nhiệm vụ của Viện về cơ bản đều hoàn thành các nội dung, đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Các sản phẩm của đề tài, nhiệm vụ đảm bảo nội dung và chất lượng khoa học và đóng góp cho việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật”, ông Hiếu nói.
Về hợp tác quốc tế, trong năm 2023, Viện tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với tổ chức, đối tác nước ngoài nhằm thực hiện một số nội dung hợp tác, có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Thực hiện Phi dự án “Hỗ trợ thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương từ chính phủ Nhật Bản”; thực hiện Ý định thư hợp tác quản lý rác thải biển giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản đã ký kết gia hạn vào tháng 8/2023, Viện đã tham gia thực hiện chuyến khảo sát chung Việt Nam – Nhật Bản về rác thải nhựa biển tại khu vực biển thành phố Hải Phòng; các khóa đào tạo, tăng cường năng lực khảo sát, phân tích rác thải nhựa; hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá rác thải nhựa biển.
Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu độc lập về các vấn đề môi trường (UfU) về “Bảo vệ khí hậu thông qua các nhà máy năng lượng – Phần II (CPEP II)”; Tham gia thực hiện Dự án triển khai Chương trình hành động chiến lược về Biển Đông, với hoạt động: “Giảm suy thoái và mất môi trường sống thông qua cải cách cấp quốc gia và địa phương để đạt được các mục tiêu của Chương trình Hành động Chiến lược về quản lý môi trường sống ven biển ở Biển Đông” do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ…
Về nhiệm vụ năm 2024, Phó Viện trưởng cho biết, năm 2024 Viện phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch, đồng thời nỗ lực hợp tác nghiên cứu khoa học và tìm kiếm các hợp đồng dịch vụ nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ viên chức và người lao động.
Theo đó sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ hoàn thiện xây dựng đề án sắp xếp, bố trí phục vụ việc kiện toàn, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý các tổ chức trực thuộc Viện trình Bộ phê duyệt và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt.
Tiếp tục thực hiện các dự án, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học chuyển tiếp và các nhiệm vụ mở mới. Trong đó về các nhiệm vụ mở mới, năm 2024, Viện sẽ hoàn thiện các ý kiến góp ý thẩm định của các đơn vị chức năng để trình phê duyệt thuyết minh dự toán và tổ chức thực hiện theo tiến độ được duyệt các dự án, nhiệm vụ, đề tài. Cụ thể, Dự án Điều phối, quản lý chung dự án và tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa ở biển Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý; Dự án Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường và đề xuất các giải pháp quản lý, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường các đầm phá thuộc khu vực biển từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận.
Dự án Điều tra, khảo sát, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ nhạy cảm, tính chống chịu của hệ thống môi trường tự nhiên dưới tác động của BĐKH và thực hiện đánh giá thí điểm tại một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Dự án Điều tra khảo sát, xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật áp dụng công nghệ, biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với cơ sở xử lý chất thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
2 Đề tài NCKH cấp cơ sở: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất mô hình thị trường trao đổi sản phẩm tái chế; Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất mô hình ngân hàng chất thải tại Việt Nam
Bên cạnh đó, tổ chức tiếp nhận và vận hành có hiệu quả các thiết bị Phi Dự án “Hỗ trợ thiết bị điều tra, khảo sát và phân tích rác thải nhựa đại dương từ chính phủ Nhật Bản”.
Về Hợp tác quốc tế, phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023 đối với công tác hợp tác quốc tế, trong năm 2024, Viện tiếp tục tăng cường mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế để đề xuất các chương trình, dự án hợp tác…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ chúc mừng những kết quả đã đạt được của Viện trong năm 2023, góp ý vào kế hoạch năm 2024 và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện để tháo gỡ những khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, lý luận về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Minh Ngân ghi nhận và biểu dương những kết quả của Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo đã đạt được trong năm 2023, nổi bật là việc đoàn kết, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ để hoàn thiện bộ máy tổ chức theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
Nhất trí với kế hoạch năm 2024 của Viện, Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục kiện toàn các bộ máy, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ viên chức và người lao động, nhất là các cán bộ trẻ để đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, bên cạnh những nhiệm vụ chuyển tiếp, nhiệm vụ mở mới tăng cường tham gia nghiên cứu, quan trắc phục vụ cho quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách, thanh kiểm, tra… để nâng cao đời sống cán bộ, viên chức.
Thứ trưởng cũng lưu ý, Viện cần cụ thể từng đề tài, dự án để có những phương án tối ưu nhằm đạt được hiệu quả trong quá trình thực hiện đề tài, dự án được giao. Đồng thời, lĩnh vực nghiên cứu khoa học về môi trường và biển, hải đảo có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, do đó, Thứ trưởng đề nghị, Viện cần sớm nghiên cứu việc đào tạo về môi trường, biển và hải đảo, thành lập Tạp chí khoa học…
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo, Viện trưởng Nguyễn Lê Tuấn cảm ơn sự quan tâm của Thứ trưởng Lê Minh Ngân và các lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ, đồng thời cho biết, Viện tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, góp ý của các đơn vị để hoàn thiện trong kế hoạch năm 2024. “Viện mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, sự phối hợp của các đơn vị để hoàn thành xuất sắc tốt được giao”, Viện trưởng nói.