Thực hiện chỉ đạo về việc tuần tra kiểm soát (TTKS) và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy vi phạm, trong đó kiên quyết xử lý lỗi chở quá vạch dấu mớn nước an toàn.
Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra đo vạch mớn nước đối với các xà lan chở đá trên sông Sài Gòn
Theo chân tổ công tác của cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy tuần tra, kiểm soát trên sông Sài Gòn, P.V ghi nhận đa số các trường hợp được kiểm tra đều chấp hành tốt.
Cụ thể, qua kiểm tra xà lan do thuyền trưởng Nguyễn Văn Bơn (quê Long An) đang vận hành chở đá từ Bình Dương về An Giang, lực lượng kiểm tra đã ghi nhận thực hiện tốt quy định. Lực lượng cũng nhắc nhở thuyền trưởng không uống rượu bia khi làm việc; lái tàu phải quan sát, khi neo đậu phải bảo đảm an toàn, ban đêm phải thắp các thiết bị chiếu sáng. Trong quá trình chờ nhập hàng, các hoạt động sinh hoạt phải bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác xuống sông gây ô nhiễm. Ngoài ra, lực lượng cũng tuyên truyền các quy định như không điều khiển phương tiện khi chưa được kiểm định; không vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy, chất kích thích. Khi chở hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, không neo đậu phương tiện để xếp, dỡ hàng hóa tại các vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động. Sau đó, thuyền trưởng Bơn đã ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định trên.
Trung tá Võ Đức Tín, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an (CA) tỉnh, cho biết thời gian qua việc TTKS các phương tiện chở hàng hóa trên sông được siết chặt, đặc biệt các phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước đều bị lập biên bản, xử phạt nghiêm và cam kết phải “hạ tải” để bảo đảm an toàn.
Theo Trung tá Võ Đức Tín, để người điều khiển phương tiện thủy chấp hành nghiêm các quy định, cần có sự vào cuộc và chung tay của thanh tra Giao thông – Vận tải (GT-VT), cảng vụ đường thủy (CVĐT) . Hiện nay, với vai trò của mình, CSGT đường thủy xử lý các vi phạm trên sông và cần lực lượng cảng vụ “siết chặt” việc cấp phép tại bến bãi. Đối với các phương tiện, bến bãi vi phạm nhiều lần phải được các cơ quan chức năng thông báo, thông tin đến nhau để thống nhất và có biện pháp mạnh tay hơn nữa. Việc “hạ tải” đối với các phương tiện vi phạm hiện nay là buộc cam kết tự hạ tải ở các bến kế tiếp chứ không thể buộc phương tiện quay lại điểm xuất phát vì tàu chở nặng, nguy hiểm.
Trong khi đó đại diện CVĐT nội địa tỉnh cho biết thời gian qua, CVĐT thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định trật tự an toàn giao thông đường thủy; kiểm tra các cam kết của chủ bến bãi, phương tiện, thuyền trưởng. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “thêm hàng, ghép hàng” khi đã xuất bến, cần có lực lượng trinh sát nắm tình hình để việc xử lý đạt hiệu quả cao.
Nói về công tác này, ông Bùi Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở GT-VT nhấn mạnh, thời gian qua công tác phối hợp thanh, kiểm tra các phương tiện thủy được duy trì, qua đó phát hiện nhiều sai phạm và được xử lý nghiêm. Trong thời gian tới cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban ngành nhằm làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra các phương tiện thủy chở hàng vi phạm. Ngoài việc phạt thuyền trưởng, tước bằng, chứng chỉ chuyên môn thì phạt luôn cả chủ tàu, chủ bến bãi mới đủ sức răn đe…
Từ ngày 28-12-2022 đến 18-4-2023, lực lượng CSGT đường thủy đã thực hiện 138 ca TTKS với 414 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, qua đó lập biên bản 112 trường hợp vi phạm, trong đó có 107 trường hợp chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn đến 1/5 chiều cao mạn khô phương tiện, yêu cầu 107 trường hợp cam kết tự hạ tải… Ngoài ra, thông qua công tác TTKS, CSGT đường thủy đã tuyên truyền trực tiếp cho 112 lượt chủ phương tiện, thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.
Lực lượng CSGT đường thủy yêu cầu thuyền trưởng ký cam kết bảo đảm an toàn về vận chuyển hàng hóa
|
QUỲNH ANH