Thí sinh tham gia kiểm tra cuối học kỳ II
Theo đó, các trường tiếp tục phát huy nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học; khắc phục những hạn chế về quản lý và chuyên môn ở học kỳ I, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học ở học kỳ II, kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; tăng cường khả năng tự học, giao nhiệm vụ học tập có sự hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ của giáo viên, nhà trường và phụ huynh.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lưu ý, các trường sử dụng các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong dạy và học; chú trọng hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học, kỹ năng thực hành vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục, biên chế năm học; hoàn thành chương trình các môn học phù hợp với hướng dẫn của Sở GD&ĐT, chủ động bố trí kế hoạch dạy học bổ sung vào thời gian hợp lý.
Cụ thể, đối với khối lớp 9 và 12, các trường chủ động hoàn thành chương trình môn học và đã hoàn thành kiểm tra cuối kỳ II. Các khối còn lại, đảm bảo hoàn thành chương trình các môn học và tổ chức kiểm tra cuối kỳ II từ ngày 8/5 – 20/5; chủ động vừa dạy bù (nếu chưa hoàn thành chương trình sau khi kiểm tra cuối kỳ II), vừa chuẩn bị tổng kết năm học trong thời gian từ ngày 22/5 đến trước ngày 31/5/2023.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh yêu cầu, đề kiểm tra phải căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục thường xuyên hiện hành (đối với lớp 8, 9, 11, 12) và yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đối với lớp 6, 7, 10), các văn bản về kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT đã ban hành. Các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá; tuân thủ việc xây dựng ma trận, bản đặc tả đề kiểm tra cuối kỳ, đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của học sinh.
Sở GD&ĐT lưu ý, sau khi hoàn thành kiểm tra, đánh giá cuối kỳ II đối với học sinh lớp 9 và 12, các trường tiến hành phân tích kết quả, phân hóa đối tượng học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo học sinh yếu, kém cụ thể, phù hợp từng đối tượng nhằm giúp học sinh đủ kiến thức, tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT đạt chất lượng. Việc tổ chức ôn tập, giao cho thủ trưởng các đơn vị tự chủ xây dựng kế hoạch, tuy nhiên trên cơ sở đề xuất của tổ chuyên môn để cân đối số tiết phù hợp đối với từng môn học.
Sau tổng kết năm học, các trường vận động phụ huynh khuyến khích học sinh tham gia ôn tập thi tốt nghiệp THPT tại trường; có biện pháp phụ đạo cho học sinh có nguy cơ thi trượt tốt nghiệp. Việc tổ chức ôn tập phải được phân hóa phù hợp với đối tượng tốt nghiệp và đối tượng đăng ký dự tuyển vào đại học. Kế hoạch ôn tập phải nêu rõ các tiêu chí phân hóa, dự kiến số lớp, số học sinh và thực hiện phân công giảng dạy cụ thể…
Đối với lớp 9, Sở GD&ĐT ra đề các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh theo hướng tiếp cận với đề thi tuyển sinh vào lớp 10, tập trung chủ yếu là kiến thức của học kỳ II. Môn Ngữ văn, Toán kiểm tra theo hình thức tự luận; môn tiếng Anh kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận. Đối với đề kiểm tra cuối kỳ lớp 12, các trường ra đề theo hướng tiếp cận với đề thi tốt nghiệp THPT, tập trung chủ yếu là kiến thức của học kỳ II. Môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận; các môn còn lại kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan. |