PV: CVĐC Lạng Sơn không chỉ có giá trị về địa chất, địa mạo mà còn mang nhiều nét đẹp văn hóa, lịch sử. Điều này có thể tạo “cú hích” cho phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng này. Ông có thể chia sẻ về những giá trị của CVĐC Lạng Sơn?
Ông Nguyễn Đặng Ân: CVĐC Lạng Sơn được thành lập ngày 16/12/2021 có phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan, TP. Lạng Sơn; một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia và một phần địa giới hành chính của huyện Cao Lộc với tổng diện tích khoảng 4.842,58 km2, dân số khoảng 627.500 người (tương đương khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh).
Cũng như nhiều địa phương khác, vùng CVĐC Lạng Sơn có các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử rất đa dạng, phong phú với sự bảo tồn khá nguyên vẹn 7 nhóm di sản văn hóa phi vật thể gồm: Tiếng nói và chữ viết, tập quán xã hội, các điệu dân ca dân vũ cùng nghệ thuật trình diễn độc đáo; các lễ hội và nghề thủ công truyền thống.
CVĐC Lạng Sơn cũng bao gồm nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị như ở các hang: Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng; nền văn hóa Bắc Sơn…, chứng minh nơi đây là một trong những chiếc nôi của người Việt cổ trong một hệ sinh thái núi đá vôi với gần 800 loài thực vật, trong đó có hàng chục loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Tiềm năng di sản địa chất ở các huyện thuộc vùng CVĐC Lạng Sơn cũng khá phong phú. Quá trình karst hóa cùng với các điều kiện về địa hình, khí hậu, thủy văn và một số điều kiện khác đã tạo cho vùng CVĐC Lạng Sơn một hệ thống hang động đá vôi đẹp, nhiều thạch nhũ và hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn…
PV: Thưa ông, việc thành lập CVĐC Lạng Sơn sẽ thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị địa chất, địa mạo và văn hóa, xã hội như thế nào?
Ông Nguyễn Đặng Ân: Từ khi thành lập CVĐC Lạng Sơn, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xây dựng và phát triển. Tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, chuyên gia trong nước và quốc tế tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất – địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học.
Bước đầu xác định, cơ bản xây dựng, phát triển các tuyến, điểm tham quan chính với giá trị tiêu biểu nhất của CVĐC Lạng Sơn để giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế.
Các cơ quan của tỉnh đã tích cực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý, lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và CVĐC Lạng Sơn;
Xây dựng 4 tuyến với 38 điểm tham quan chính với giá trị tiêu biểu nhất về văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất – địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học nhằm phát huy các giá trị di sản vùng CVĐC,… Triển khai các hoạt động nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn, phục dựng các giá trị di sản vùng CVĐC.
Thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy một số loại hình di sản văn hoá phi vật thể trong vùng CVĐC Lạng Sơn”; Phối hợp với Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về vai trò, giá trị của di sản văn hoá trong CVĐC Lạng Sơn”…
PV: Để được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai những hoạt động gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Đặng Ân: Để hướng đến việc xây dựng CVĐC toàn cầu, tỉnh đã có Kế hoạch quản lý CVĐC Lạng Sơn; chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO; xây dựng và thực hiện Chương trình tuyên truyền, xúc tiến quảng bá CVĐC; xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và CVĐC Lạng Sơn;
Triển khai các hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO, Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Mạng lưới CVĐC toàn cầu Việt Nam; triển khai các hoạt động nghiên cứu, tôn tạo, bảo tồn, phục dựng, đầu tư (trồng rừng, cải thiện vấn đề cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng và động vật hoang dã trong vùng CVĐC…)
Hiện nay, tỉnh đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản của các tuyến, điểm tham quan vùng CVĐC Lạng Sơn (3 Trung tâm thông tin, các tuyến điểm du lịch, 11 bãi đỗ xe, 8 con đường đi bộ, hệ thống bảng biển thông báo, chỉ dẫn, quảng cáo…);
Xúc tiến khoanh vùng bảo vệ các điểm di sản, phát triển quan hệ đối tác CVĐC Lạng Sơn, góp phần đáp ứng yêu cầu phục vụ tham quan, hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO vào tháng 11/2023 và đón Đoàn chuyên gia UNESCO đến thẩm định vào tháng 7/2024.
Để được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Bộ VHTT&DL; Bộ TM&MT; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam tiếp tục quan tâm, hướng dẫn về chuyên môn trong xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn, hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm, hướng dẫn công tác phát triển, tổ chức xây dựng và quản lý công viên địa chất thống nhất trên toàn quốc.
Xin trân trọng cảm ơn ông!