Khóa tập huấn hướng tới mục tiêu giúp cho bà con nông dân, các tác nhân và các bên liên quan chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính, vốn gây cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường, sang mô hình Kinh tế tuần hoàn. Chương trình được thiết kế nhằm giúp học viên nắm bắt những khái niệm cơ bản về Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; cách cách xử lý, sử dụng phụ phế phẩm lúa theo hướng Kinh tế tuần hoàn; và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình xử lý phế thải từ các chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương.
Trong thời gian 3 ngày, cán bộ khuyến nông cơ sở của 6 tỉnh ĐBSCL được các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ về sự phù hợp của kinh tế tuần hoàn trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL; tìm hiểu về kinh tế tuần hoàn và sử dụng sản phẩm phụ, quản lý rơm rạ để sử dụng cho nhiều mục đích (sản xuất nấm, làm phân hữu cơ…). Các học viên được tập huấn sẽ là những người tham gia đào tạo nông dân tại địa phương để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Ông Tôn Thất Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang nhận định Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã và đang thay đổi phương thức sản xuất của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tỉnh An Giang, góp phần xây dựng mô hình khép kín, bảo vệ môi trường, tăng thêm nguồn thu, hình thành tư duy sản xuất mới. Cụ thể như, sử dụng rơm trồng nấm sau đó tái sử dụng bả rơm để làm phân bón hữu cơ bón lại cho lúa và các loại cây trồng; sử dụng rơm làm thức ăn cho gia súc sau đó sử dụng phân của gia súc để làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cây trồng; sử dụng trấu làm chất đốt và tro trấu thải ra được dùng làm phân bón cho cây trồng. Ngoài ra, rơm và trấu còn được dùng cho nhiều mục đích sử dụng khác như làm đệm lót sinh học, vật liệu xây dựng, làm than sinh học, đồ thủ công mỹ nghệ, dược phẩm… Ðây là những giải pháp giúp nâng cao giá trị gia tăng của phụ phẩm lúa gạo, đồng thời tạo ra năng lượng sạch và bền vững. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt và ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết. Kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp tái sử dụng và giảm thiểu rác thải mà còn mở ra cơ hội tạo ra giá trị gia tăng từ các nguồn lực sẵn có. Đây là xu hướng tất yếu, là mục tiêu đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhằm định hướng phát triển bền vững và xanh, góp phần vào việc thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Sau khóa tập huấn, tỉnh An Giang sẽ tổ chức thêm 25 lớp đào tạo về quản lý rơm rạ, canh tác bền vững (SRP, GAP, IPM/MRL, VietGAP…) từ kinh phí hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và các nguồn kinh phí khác.
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/tap-huan-ve-kinh-te-tuan-hoan-trong-chuoi-gia-tri-lua-gao-tai-an-giang.aspx