Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo, chiến sỹ phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh); Lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường 12 huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Công chức địa chính UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Những năm qua, công tác xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong các lĩnh vực khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước và đất đai.
Tính riêng 2 năm 2021-2022, toàn tỉnh đã phát hiện, xử phạt trên 250 trường hợp vi phạm. Trong đó, Sở TN&MT đã ban hành và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 71 quyết định xử phạt với tổng số tiền trên 11 tỷ đồng ở các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xử lý vi phạm hành chính vẫn còn một số hạn chế, như: Lập Biên bản vi phạm hành chính không đúng thẩm quyền, trình tự và biểu mẫu; nội dung vi phạm hành chính không nêu rõ thời gian, địa điểm, hành vi vi phạm tại các điều, khoản, điểm pháp luật chuyên ngành;
Quyết định xử phạt không thể hiện có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nhưng xử phạt mức cao nhất hoặc thấp nhất của khung tiền phạt; việc tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt còn lúng túng….
Do đó, việc triển khai Hội nghị góp phần quan trọng phổ biến các quy định mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại cấp huyện, xã.
Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, giữ gìn trật tự, kỷ cương, giữ vững an ninh chính trị. trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên Sở TN&MT đã truyền tải đến các đại biểu các nội dung trọng tâm, gồm: Một số vấn đề lưu ý khi áp dụng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính 2020;
Nghị định 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 19/2021/NĐ-CP ngày 12/2/2021 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Một số vấn đề lưu ý trong việc áp dụng Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số tồn tại thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính về đất đai và các lưu ý trong việc áp dụng Nghị định 91/1029/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến của các huyện, thành phố liên quan đến một số khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm tại các địa phương. Đơn cử: Xử lý vi phạm xây nhà trên đất nông nghiệp, đất có nguồn gốc nông lâm trường bàn giao về UBND huyện quản lý; xử lý hành vi san tẩy tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp; việc cưỡng chế thực hiện khắc phục hậu quả (khôi phục tình trạng ban đầu của đất, cưỡng chế di dời công trình, tài sản trên đất)…
Quyền Chánh thanh tra Sở TN&MT Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Tất cả tài liệu phục vụ Hội nghị đã được gửi trước đến các đại biểu để nghiên cứu, tham gia ý kiến. Phương pháp triển khai Hội nghị được đổi mới, chủ yếu tập trung trao đổi, thảo luận để giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường tại các địa phương.
Bà Lò Thị Diêng, Chủ tịch UBND xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên cho biết: Thông qua Hội nghị đã giúp chúng tôi nắm rõ hơn về quy trình, cách thức xử lý vi phạm, từ khi phát hiện vi phạm, lập biên bản đến xử lý vi phạm, rất hữu ích để triển khai quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường trên địa bàn xã thời gian tới.