Hiệu quả nhìn từ các chương trình tập huấn
Đối mặt với những thách thức, những câu hỏi làm sao để nhiều hội viên nhà báo được tiếp cận nội dung kiến thức mới về làm báo hiện đại, chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, tại tỉnh Kiên Giang, Hội Nhà báo tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai hàng loạt giải pháp đổi mới, sáng tạo đồng bộ trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực tác nghiệp đáp ứng yêu cầu mới và xu thế chuyển đổi số cho hội viên ở các cấp hội. Trong suốt quá trình triển khai, Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các chi hội để nắm bắt nhu cầu của từng chi hội, hội viên. Hội Nhà báo tỉnh cũng gợi ý các chủ đề, chuyên đề để các đơn vị lựa chọn.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang cho biết, trước đây thường các lớp học tập huấn được tổ chức do hội tự đề xuất và triển khai. Tuy nhiên những năm gần đây đã có những đổi mới rõ nét trong công tác này, vì thế hoạt động tập huấn nhận được sự hưởng ứng tích cực tham gia của các cấp hội.
Đặc biệt, nắm bắt những xu hướng truyền thông mới, gần đây Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức các buổi tập huấn về ứng dụng AI, trong quá trình dạy và học đều hướng tới việc ứng dụng cho hội viên hiểu và thực hành được ngay. Ngoài ra, còn có các chuyên đề về kỹ năng viết tin bài cho báo điện tử, trong đó cho hội viên làm dưới dạng long-form, e-magazine hay megastory…
Bên cạnh đó, cũng hướng dẫn hội viên làm podcast, nâng cao chất lượng tác phẩm truyền hình… tất cả nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, khán giả. Đây cũng là cơ sở quan trọng để lựa chọn các tác phẩm chất lượng tham gia Giải Báo chí Quốc gia, các giải báo chí Trung ương và giải báo chí của tỉnh.
Nhà báo Đoàn Hồng Phúc chia sẻ: Không chỉ sản xuất tin bài theo cách truyền thống, thực tế bây giờ các hội viên nhà báo còn phải có kỹ năng sản xuất các tác phẩm báo chí dành riêng cho các nền tảng mạng xã hội. Cố gắng tận dụng những ưu thế của các nền tảng mạng xã hội để truyền tải thông tin một cách đa dạng đến công chúng.
Thực tế cho thấy, trong hoạt động tập huấn nghiệp vụ, các cấp hội cần lựa chọn các chủ đề mà bản thân các nhà báo, phóng viên yêu thích, khi yêu thích thì hội viên sẽ đi sâu tìm hiểu thêm để có thể ứng dụng vào tác phẩm báo chí của mình. Khi đó, các khóa tập huấn mới hiệu quả và bền lâu. Ngoài ra, từ nguồn tài liệu của giảng viên, các học viên sẽ chỉ cho nhau, người làm được chỉ cho người chưa làm được. Vì thực tế nếu chỉ thông qua 1 đến 2 buổi tập huấn mà học viên làm thành thục được các hướng dẫn theo bài giảng là rất khó.
Tìm phương án giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất
Tại Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, trong nhiều năm qua đơn vị xác định, không phải khóa học trên lớp kết thúc là mọi thứ xong mà cơ bản phóng viên nắm bắt và vận dụng được vào thực tiễn. Việc đi thực tế không chỉ tạo ra “kênh” để phóng viên có thêm thông tin đề tài từ cơ sở mà còn tạo thêm mối quan hệ giữa phóng viên và cơ sở. Và điều quan trọng nhất là tính gợi mở, tạo cảm hứng học tập, nghiên cứu cho mọi người để mọi người tiếp tục học tập, tìm tòi, tự tìm hiểu.
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ngoài các tài liệu được thu thập chúng tôi gửi đường link sự kiện thông báo cho mọi người có thể theo dõi trực tuyến các hội thảo, lớp học trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu như mọi người đi làm không dự được các hội thảo có thể xem lại bất cứ khi nào, xem lại một cách tập trung hơn. Tôi nghĩ như vậy cũng đạt được hiệu quả, không gượng ép phải ngồi vào bàn học và phù hợp với thời gian phóng viên đi làm”.
Thực tế cho thấy, trên tinh thần lấy hội viên làm trong trung tâm, nhiều cấp hội xác định mỗi lớp tập huấn đó phải đảm bảo được nội dung và chất lượng, theo đúng yêu cầu của người học. Quan trọng buổi tập huấn học viên được thực hành nhiều hơn, thay vì chỉ nghe giảng, khi học xong về cơ quan đơn vị mình có thể áp dụng và phổ biến cho các hội viên khác.
Bên cạnh đó, thời gian học cũng được rút ngắn hơn để phù hợp với thời gian công tác của hội nhà báo khi họ đang phải sản xuất tin bài hàng ngày. Điều quan trọng là những hội viên đó đang thực hiện công việc đúng với chủ đề mà lớp tập huấn được tổ chức. Cố gắng để giảng viên và hội viên được tương tác trực tiếp với nhau nhiều hơn.
Nhiều địa phương lựa chọn phương án thực hành là chủ yếu hoặc ít nhất 50% là thực hành tại lớp và đi thực tế, để vừa đảm bảo về vấn đề kinh phí. Kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giảng viên không còn giảng “chay” nữa mà tập trung vào truyền tải kiến thức kỹ năng gắn với thực tế.
Đã có những chi hội, sau khi tham gia tập huấn, các hội viên sẽ trở về cơ quan mình làm việc theo nhóm, áp dụng luôn kỹ năng vừa học để sáng tạo tác phẩm báo chí. Qua đó mỗi thành viên được học hỏi lẫn nhau, trau dồi từ chuyên môn đến xử lý tình huống phát sinh khi tác nghiệp.
Đề xuất những giải pháp tạo hiệu quả trong công tác tập huấn thời gian tới, nhà báo Đoàn Hồng Phúc cho rằng: Những giảng viên cần tập trung vào phát triển các kỹ năng thực tiễn, phương pháp dạy học hiện đại. Giảng viên phải là những nhà báo có kiến thức tác nghiệp thực tế đồng thời cũng cần trang bị kỹ năng sư phạm.
Đối với những giảng viên đang công tác tại các trường báo chí truyền thông đã có kỹ năng sư phạm thì cần có thông tin đã áp dụng thực tế, tránh những kiến thức mang tính hàn lâm. Trong quá trình học học viên và giảng viên liên tục trao đổi với nhau, góp phần phát huy tất cả các thế mạnh, sự sáng tạo của người học.
Có thể khẳng định, ở mỗi địa phương các cấp hội sẽ có những giải pháp để trong công tác tập huấn bắt nhịp nhanh, đúng và trúng nhu cầu thực tiễn tác nghiệp của hội viên nhà báo. Các lớp tập huấn được cải tiến, phát triển và đa dạng đã góp phần giúp hội viên có được các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.
Lê Tâm
Nguồn: https://www.congluan.vn/dap-ung-dung-yeu-cau-phat-huy-toi-da-tinh-chu-dong-cua-hoi-vien-post302097.html