Một loạt lãnh đạo Tập đoàn Đại Dương (OGC) từ nhiệm
CTCP Tập đoàn Đại Dương (Mã OGC), chủ của thương hiệu Kem Tràng Tiền nổi tiếng ở Hà Nội đã vừa thông báo nhận được đơn từ nhiệm của 4 lãnh đạo cao cấp trong tập đoàn. Hầu hết trong số đó đều là những nhân sự được bổ nhiệm trong năm 2022.
Cụ thể, 4 lãnh đạo cao cấp từ nhiệm bao gồm: bà Phạm Thị Hồng Nhung, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc; bà Trần Thị Ngọc Bích, thành viên độc lập HĐQT; bà Nguyễn Thị Thanh Hường, thành viên HĐQT; ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng Ban Kiểm soát.
Theo điều lệ công ty, đơn từ nhiệm sẽ được chấp thuận từ ngày 8/1/2023 và được báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất để thông qua việc miễn nhiệm. Ông Phạm Hùng Việt được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Đại Dương trong cùng ngày.
Việc thay đổi cơ cấu lãnh đạo của Tập đoàn Đại Dương diễn ra trong bối cảnh đơn vị này đang có nhiều sự thay đổi cả về hoạt động kinh doanh lẫn cơ cấu cổ đông.
Sự xuất hiện của 2 cổ đông lớn là 2 công ty vừa được thành lập
Trong tháng 12/2023, Tập đoàn Đại Dương đã thông báo có thêm 2 cổ đông lớn đều là những pháp nhân vừa mới được thành lập cuối năm 2023 bao gồm:
CTCP Xây dựng Sông Hồng Bắc Việt, sở hữu 27 triệu cổ phiếu OGC, tương đương 9,02% vốn điều lệ. Công ty được thành lập từ ngày 1/12/2023 có trụ sở chính đặt tại tầng 6, toà nhà Icon 4, số 243 Đê La Thành, phường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.
CTCP CTCP Thương mại Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam sở hữu 51,7 triệu cổ phiếu OGC, tương ứng 17,24% vốn điều lệ. Công ty lập ngày 25/12/2023 hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Công ty có trụ sở chính đặt tại Tòa nhà VNT Tower, 19 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty là bà Đinh Thị Nhi (sinh năm 1994).
Biến động về cổ đông cùng sự thay đổi về nhân sự cấp cao của Tập đoàn Đại Dương đồng thời xảy ra trong bối cảnh cổ phiếu OGC đang nằm trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính tại ngày 30/9/2023 đang là âm 2.636 tỷ đồng.
Lỗ hơn 2.636 tỷ đồng, 3.000 tỷ vốn chủ bị bào mòn gần hết
Về tình hình kinh doanh, trong quý 3/2023 OGC ghi nhận doanh thu 2.886,2 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm tới 2.033,7 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn lại 832,4 tỷ đồng.
Chi phí tài chính trong kỳ đã được tiết chế hơn so với cùng kỳ, chỉ còn chiếm 62,6 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính mang về không đáng kể, chỉ đạt 313 triệu đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 665 triệu đồng và 3.373 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi hết các chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Đại Dương đạt 60,4 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ.
Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm của OGC đạt 8.624,4 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Bù lại, lợi nhuận sau thuế lại tăng hơn gấp đôi lên mức 77,5 tỷ đồng.
Dù ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan nhưng vào đầu tháng 10/2023, cổ phiếu của Tập đoàn Đại Dương từng có lúc chạm đáy ở vùng giá 5.600 đồng/cổ phiếu do cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.
Nguyên nhân đến từ ghi nhận nguồn vốn của OGC tại BCTC quý 3/2023. Trong đó công ty đang có nợ phải trả là 1.036,6 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là các nghĩa vụ phải trả với các bên, vay nợ ngắn hạn và dài hạn chiếm gần 33 tỷ đồng.
Vốn góp của chủ sở hữu ghi nhận tới 3.000 tỷ đồng nhưng đã bị bào mòn gần hết, hiện tại Vốn chủ sở hữu chỉ còn ghi nhận 475,8 tỷ đồng. Công ty hiện đang có khoản lỗ lũy kế sau thuế chưa phân phối lên tới 2.636,2 tỷ đồng.