Theo RT, Huawei đã trở thành ví dụ tiêu biểu nhất trong cuộc chiến công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Công ty viễn thông ở Thâm Quyến này là một trong những gã khổng lồ công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Trong giai đoạn năm 2019-2020, Huawei đã phải trải qua chiến dịch trừng phạt liên tục của Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã thắt chặt các hạn chế thương mại đối với Huawei, làm hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc với các nhà cung cấp tại Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung, bao gồm cả nhà cung cấp chủ lực TSMC. Việc thiếu nguồn cung chip trầm trọng đã buộc Huawei bán bớt thương hiệu smartphone giá rẻ Honor vào tháng 11/2020 và hướng tới giảm một nửa sản lượng sản xuất trong năm nay.
TSMC là nhà sản xuất bộ vi xử lý di động Kirin 9000 hỗ trợ mạng 5G của Huawei, nhưng lệnh cấm từ chính quyền Trump đã làm ngừng hoàn toàn các lô hàng chip này từ tháng 9 năm ngoái. Huawei được cho là đã dự trữ khoảng 20 triệu chipset Kirin 9000 5G trước khi mất quyền truy cập vào chuỗi cung ứng chip với TSMC, theo Nikkei. Trừ khi chính quyền Biden nới lỏng các hạn chế này, nếu không chipset Kirin 5G dùng trong hầu hết các dòng smartphone cao cấp của Huawei sẽ “cạn kiệt”.
Lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ của Mỹ cũng cắt đứt quyền truy cập của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào hệ điều hành Google Android, buộc Huawei phải phát triển hệ điều hành của riêng mình mang tên HarmonyOS.
Năm 2021, doanh số bán hàng của Huawei đã sụt giảm vì hãng buộc phải bán thương hiệu điện thoại thông minh nổi tiếng Honor. Huawei cũng chịu tình trạng sụt giảm lượng chip, gây hạn chế nghiêm trọng cho các hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh cao cấp khác.
Dù vậy, Huawei đang bật lại với sức sống mới. Một bài báo trên truyền thông Trung Quốc gần đây cho biết Huawei đã thành lập một công ty con mới, có tên là Huawei Precision Manufacturing, với số vốn 600 triệu nhân dân tệ.
Công ty con này nói rằng họ sẽ không sản xuất chip, chỉ tập trung vào đóng gói, thử nghiệm và lắp ráp các thiết bị đầu cuối, mô-đun, linh kiện trong các lĩnh vực quang điện tử, không dây, năng lượng kỹ thuật số, ô tô thông minh, và các sản phẩm đầu cuối khác. Nhiều công nghệ nói trên gắn liền với ngành sản xuất chip.
Không chỉ thế, trong suốt năm 2021, Huawei đã âm thầm mua cổ phần điều hành trong một số công ty bán dẫn và in thạch bản của Trung Quốc. Đây là những công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ gốc thiết yếu mà Mỹ đã tìm cách cấm cửa Hawei.
Cũng có những thông tin rằng công ty sẽ mở xưởng đúc riêng ở Vũ Hán vào năm 2022. Mặc dù công ty con mới có thể không sản xuất chip, nhưng rõ ràng toàn bộ tập đoàn Huawei nói chung đang nỗ lực trong lĩnh vực này.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã giúp Huawei phá vỡ các ràng buộc công nghệ. Hiện tại, chưa rõ khả năng sản xuất của Huawei. Tuy nhiên, có thông báo rằng Huawei sẽ ra mắt bộ chip riêng vào năm 2022 và tuyên bố rằng sẽ giành lại ngôi vương điện thoại thông minh vào năm 2023.
Huawei dường như không chỉ chuẩn bị sản xuất chip mới về lâu dài mà còn có khả năng sản xuất cả thiết bị bán dẫn.
Diễn biến này là lời nhắc nhở rằng Huawei thực sự là một công ty có tầm quan trọng chiến lược ở Trung Quốc, và đó có thể là lý do tại sao Mỹ lại mạnh tay với Huawei như vậy.
Đào Vũ (Tổng hợp từ báo Tin Tức, Công an Nhân dân)