Thông tin từ hội thảo cho thấy, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 và Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Cùng với Luật Các tổ chức tín dụng, tháng 8/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu giải đoạn 2016 – 2020.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, lũy kế từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu, xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý. Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hoạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý. Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,7%.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thông tin từ hội thảo cũng cho thấy, sau hơn 12 năm thực hiện với một lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2017, một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng đã không còn phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Nghị quyết 42 sau hơn 6 năm thí điểm trên thực tiễn cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm hơn vấn đề nợ xấu, nhiều ý kiến cũng cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần mở rộng phạm vi áp dụng với cơ chế xử lý nợ xấu.
P.V