Tình yêu văn hóa Việt
Trong căn phòng rộng 20m2, anh Nguyễn Tấn Đạt (ngụ quận 3, TPHCM) chăm chú nắn nót từng sản phẩm thủ công do chính anh sáng tạo. Trên chiếc bàn gỗ, anh đặt đầy những bức tượng ông Địa có kích thước “tí hon”, những tưởng khó có thể chế tác được.
Theo anh Đạt, những bức tượng ông Địa có mức giá khác nhau, dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng/tượng, tùy thuộc vào kích thước. Chỉ trong vài tháng dịp Tết, anh Đạt đã sáng tạo ra hơn 20 mẫu ông Địa khác nhau như ông Địa lưng gù, cưỡi hổ, nằm thảnh thơi, ông Địa siêu nhỏ 0.5cm,…
Mỗi mẫu ông Địa trên tổng số 20 mẫu mã của anh Đạt giờ đây có hơn 100 đơn đặt hàng. Để kịp phục vụ lượng đơn hàng “khủng”, anh phải làm việc suốt ngày lẫn đêm.
Trước đó, anh Đạt đã có khoảng thời gian nghiên cứu làm móc khóa hình món ăn Việt. Một lần tình cờ, anh nhận ra các vật lưu niệm ở nước ngoài đặc biệt là hình ảnh các vị thần nước ngoài du nhập vào Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, hình tượng của các vị thần Việt lại khá bị lu mờ và thế hệ trẻ không biết nhiều đến nguồn gốc của nét văn hóa ấy.
“Tôi nghĩ ngay đến hình ảnh ông Địa Nam Bộ. Ông Địa từ lâu đã có ý nghĩa trong đời sống Nam Bộ. Ông Địa với ngày Tết lại càng quan trọng hơn khi người ta có dịp dọn dẹp, tân trang lại bàn thờ ông Địa, cầu năm mới ông Địa ban cho nhiều tài lộc, bình an, nhà cửa luôn vui vẻ như nụ cười ông Địa”, anh Đạt phân tích.
Nghệ nhân này cho hay các sản phẩm của anh luôn hướng đến sự sáng tạo, gần gũi với thế hệ trẻ. Vì vậy, anh đặc biệt làm thêm các tượng ông Địa liên quan đến từng ngành nghề, dùng để trưng trên bàn làm việc giúp nhiều người cảm thấy công việc may mắn hơn trong năm mới.
Tác phẩm tốn nhiều công sức
Theo anh Đạt, mỗi tượng ông địa làm ra phải tốn thời gian từ 3 đến 7 ngày để hoàn thành. Trong đó khâu tạo mẫu là kỳ công nhất vì đòi hỏi mỗi mẫu mã ngày càng đa dạng và không trùng nhau.
Sau các bước phác thảo và tạo mẫu, chàng nghệ nhân sẽ chờ đất sét khô hoàn toàn gần 3 ngày nếu thời tiết thuận lợi.
Cuối cùng là công đoạn lên màu cho ông Địa. Đây là công đoạn quyết định thần thái của ông Địa và phải mang đậm nét “dân gian”.
“Công đoạn này có việc vẽ mặt là quan trọng nhất, vì nhìn vào mặt phải tươi và thân thiện. Mỗi ông Địa tôi làm ra dù vẽ mặt cùng một phương pháp nhưng mỗi mặt đều có nét riêng, không bao giờ giống nhau. Cái hay của sản phẩm thủ công là ở đây, khác biệt, kỳ công và gần như không giống nhau hoàn toàn”, anh Đạt tâm đắc.
Thời gian đầu, vị nghệ nhân cũng gặp nhiều khó khăn khi “vắt óc” tạo hình ông Địa sao cho phù hợp với khách du lịch, thế hệ trẻ.
“Các tượng ông Địa nhìn vào phải thật dễ thương, thân thiện nhưng luôn phải đáp ứng các tiêu chí đặc trưng của ông Địa Nam Bộ. Việc này đòi hỏi sự nghiên cứu về các tài liệu chuyên khảo về ông Địa Thần Đất. Ngoài ra, quá trình tìm chất liệu tạo khắc tượng gặp nhiều khó khăn vì phải tốn chi ví và công sức khá nhiều”, anh Đạt nói.
Dù mất nhiều công sức nghiên cứu và chế tác, anh Đạt vẫn không phủ nhận rằng nhu cầu tìm về văn hóa xưa của người Việt ngày càng thịnh hành. Vì vậy, những sản phẩm mang đậm nét văn hóa, đầu tư tay nghề thủ công cao dễ được săn đón.
“Sắp tới, hình ảnh ông Địa sẽ được tôi sáng tạo thêm nữa. Tôi đã tham gia các cộng đồng chia sẻ các bộ sưu tập ông Địa, hi vọng có thể ngày càng lan tỏa, làm phong phú thêm hình ảnh ông Địa đến người trẻ và bạn bè quốc tế”, chàng nghệ nhân chia sẻ.