Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các quy định tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại đang có tính chất hạn chế quyền của công dân, chưa phù hợp quy định tại Hiến pháp 2013 và Bộ luật dân sự 2015, cũng như tạo ra rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp. Vì vậy, VCCI cho rằng, việc bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP là hợp lý và cần thiết.
Không hạn chế quyền kinh doanh
Mới đây, VCCI vừa có văn bản đồng thuận đề xuất của Bộ Công thương trong việc xây dựng Dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại năm 2005 về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo đó, tại Điều 25 Luật Thương mại năm 2005 trao quyền cho Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa đó. Nghị định 59/2006/NĐ-CP đã hướng dẫn thực hiện điều này của Luật Thương mại 2005.
VCCI cho rằng, Nghị định 59/2006/NĐ-CP ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền ban hành theo quy định tại Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự 2015; có tính chất hạn chế quyền của công dân, quyền con người, trong khi các quy định liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân đều phải được quy định tại văn bản cấp luật.
Tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Bên cạnh lý do trên, VCCI cũng nhắc đến sự không thống nhất giữa danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện của Nghị định 59/2006/NĐ-CP và danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2020; tạo nên những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong hoạt động thương mại.
Theo VCCI, mặc dù là nghị định hướng dẫn Luật Thương mại, nhưng điều kiện để được kinh doanh các loại hàng hóa trong các danh mục của Nghị định 59/2006/NĐ-CP được áp dụng trên “chủ thể kinh doanh” (tức: các chủ thể kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện nhất định mới được phép kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ) chứ không phải là “điều kiện của hàng hóa, dịch vụ”. Nhưng đây cũng là nguyên tắc áp dụng tại danh mục của Luật Đầu tư năm 2020.
Giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp
Như vậy, tính chất hai loại danh mục tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Luật Đầu tư năm 2020 giống nhau, đều ràng buộc điều kiện đối với chủ thể kinh doanh. Tại khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020 cũng quy định, “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”.
Do đó, VCCI cho rằng, cần thiết phải bãi bỏ Nghị định 59/2006/NĐ-CP bởi việc tồn tại danh mục tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP đưa đến những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, khi nghị định này vẫn đang có hiệu lực.
Nếu kinh doanh những loại hàng hóa, dịch vụ không có trong danh mục của nghị định, nhưng lại có trong danh mục của Luật Đầu tư, doanh nghiệp sẽ không phải đáp ứng điều kiện gì nếu theo quy định tại nghị định, nhưng lại phải đáp ứng điều kiện kinh doanh nếu theo quy định tại Luật Đầu tư.
Chế biến thủy sản xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang). |
Bên cạnh đó, VCCI cũng chỉ ra sự mâu thuẫn dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi các hàng hóa, dịch vụ liệt kê trong danh mục tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP dẫn chiếu tới các văn bản quy định chi tiết, rất nhiều văn bản này đã hết hiệu lực. Tên của hàng hóa, dịch vụ trong danh mục này cùng với cơ chế quản lý cũng đã thay đổi theo quy định hiện hành.
Thí dụ: các dịch vụ liên quan đến hàng hải (dịch vụ kiểm đếm hàng hóa; dịch vụ vệ sinh tàu biển; dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển), pháp luật về hàng hải không còn quy định chi tiết về các dịch vụ này nữa. Vì vậy, nếu áp dụng theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP các doanh nghiệp sẽ không biết áp dụng theo quy định nào, tại văn bản nào.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020: “Quy định về tên ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong các luật khác phải thống nhất với Điều 6 và các Phụ lục của Luật Đầu tư”. Như vậy, việc thiết kế tên của hàng hóa, dịch vụ (có tính chất tương tự như là ngành nghề kinh doanh) tại danh mục là chưa phù hợp với nguyên tắc về tên gọi theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
Nguồn:https://nhandan.vn/tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-trong-hoat-dong-thuong-mai-post753679.html