30 chính sách đặc thù cho TP Đà Nẵng
Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng trên cơ sở quy định tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả.
Cùng đó, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng. Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra.
Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 là thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP Đà Nẵng nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP. Bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của TP và có cơ chế kiểm soát
Dự thảo Nghị quyết quy định hai nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể. Trong đó có 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng. Ở nhóm chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị có 7 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) và 2 chính sách đề xuất mới.
7 chính sách tương tự này gồm quy định thẩm quyền HĐND TP quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã; Quy định cơ cấu Thường trực HĐND và các Ban của HĐND TP. Cùng đó là giao thẩm quyền UBND TP quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đổi tên, quy định chức năng nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận.
Một chính sách khác là bổ sung chức danh Trưởng công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận đối với cơ cấu UBND quận; Bổ sung chức danh Trưởng công an phường đối với cơ cấu UBND phường. Đà Nẵng sẽ được quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện và thành lập Sở An toàn thực phẩm.
Hai chính sách mới được đề xuất là quy định thẩm quyền của cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do HĐND quận, HĐND phường thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, HĐND TP có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của HĐND quận và phường ban hành trước ngày 1/7/2021.
Đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong nhóm 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, có 5 chính sách đề xuất mới, có chính sách đề xuất mới đối với Đà Nẵng là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
“Pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do. Tuy nhiên, đây là mô hình kinh tế phổ biến đã có trên 150 quốc gia, các quốc gia không ngừng điều chỉnh áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ” – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế… nhằm tiến tới thành lập Khu thương mại tự do ở Việt Nam để hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Đây là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho hay, liên quan đến đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng đây là chính sách mang tính đột phá, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP Đà Nẵng và của cả vùng.
Việc này cũng có ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường, lựa chọn lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển là vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đây cũng là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật.
Do đó, để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ, quy định cụ thể về một số nội dung như nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng, khu thương mại tự do, tác động đến phát triển doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội và tính lan tỏa vùng miền…
Liên quan đề xuất thí điểm cơ chế “một cửa” tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng trong Khu thương mại tự do, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định, đây cũng là quy định mới về thẩm quyền quản lý nhà nước nhằm tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.
Do đó, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất về chủ trương, song Chính phủ cần giải trình làm rõ thêm để bảo đảm tính hợp lý về thẩm quyền, tính khả thi, năng lực tổ chức thực hiện, tác động về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi quy định mới có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tao-them-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-thanh-pho-dang-song.html