Sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, niềm tin của người dân, doanh nghiệp là những yếu tố cốt lõi để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% vào năm 2025.
Việt Nam có hàng loạt yếu tố thuận lợi để có thể 'cán đích' tăng trưởng 8%. (Ảnh: Gia Thành) |
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Tăng trưởng không chỉ nhanh mà còn bền vững
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định sự cần thiết của việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã chủ động trình Trung ương và Quốc hội phương án điều chỉnh nhằm đảm bảo nền kinh tế có thể tận dụng cơ hội, tạo ra những đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn. Điều này thể hiện quyết tâm cao trong việc đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá.
Tại kỳ họp Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội đối với mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025. Theo ông, đây là yếu tố then chốt giúp tạo ra sức mạnh tổng hợp, giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn và đạt được thành công.
Về nguyên tắc phát triển, Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng không chỉ nhanh mà còn phải bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc không đánh đổi môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. "Đây là sự cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm hướng đến một nền kinh tế phát triển hài hòa và ổn định lâu dài", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Trên cơ sở đó, sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, niềm tin của người dân, doanh nghiệp là những yếu tố cốt lõi để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% vào năm 2025.
Đương nhiên, sự thành công không chỉ đến từ đồng thuận, quyết tâm và niềm tin. Việt Nam có hàng loạt yếu tố thuận lợi để có thể "cán đích" tăng trưởng 8%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, các quy định mới mang tính đột phá, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cùng với sự phát huy hiệu quả của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) là những thuận lợi mà Việt Nam đang sở hữu. Không chỉ thế, những cơ hội mới từ sự thay đổi trong trật tự đầu tư và thương mại toàn cầu đang mở ra không gian phát triển rộng lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, theo đại biểu Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: "Việt Nam có dư địa để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%".
Ông Dũng cho rằng, xuất khẩu hàng hóa đã cán mốc 400 tỷ USD, 9 năm liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Điều đó không chỉ chứng tỏ vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh, buôn bán với nước ngoài mà còn có tác động đến GDP, tăng dự trữ ngoại hối, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, dư địa cho phát triển nền kinh tế Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề quan trọng là làm sao vực dậy, khơi thông và đưa nguồn lực đất nước vào phát triển.
Chia sẻ với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương nhận định, kết quả tăng trưởng tích cực của cả năm 2024 chính là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra.
Về thuận lợi, nhìn từ góc độ sản xuất, bà Hương cho hay, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội các FTA.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng không chỉ nhanh mà còn phải bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc không đánh đổi môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. |
Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ.
Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
"Ngoài ra, thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được ráo riết hoàn thiện và đồng bộ. Cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia tích cực vào các hiệp định FTA. Đầu tư về cơ sở hạ tầng và công nghiệp công nghệ cao đang được định hướng và tập trung thúc đẩy mạnh mẽ.
Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ trong cả bộ máy nhà nước cũng như các đơn vị kinh tế sẽ tạo động lực mới cho phát triển”, bà Nguyễn Thị Hương đánh giá.
Xuất khẩu hàng hóa đã cán mốc 400 tỷ USD, 9 năm liên tiếp Việt Nam xuất siêu. (Nguồn: Vneconomy) |
"Chìa khóa" của Việt Nam
Song hành cùng thuận lợi, đất nước vẫn còn những thách thức lớn phải đối mặt trong quá trình hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là những tác động từ chính sách kinh tế của Mỹ, các rào cản thương mại, cùng những vướng mắc trong nội tại nền kinh tế. Các vấn đề về khoa học - công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động vẫn là những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và già hóa dân số cũng đặt ra không ít thách thức.
Để vượt thách thức, "về đích" thành công, thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đất nước cần tiếp tục chú trọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Có hai điểm nhấn đề thu hút FDI, đó là tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, pháp luật để thu hút dòng vốn này và triển khai ngay các chính sách mà Quốc hội đã cho phép (như triển khai chính sách luồng xanh thu hút các dự án đầu tư lớn về công nghệ cao tại các khu công nghệ, khu công nghiệp).
ChatGPT tạo hình ảnh thể hiện sự nỗ lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam năm 2025. Thành phố hiện đại, các ngành công nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng góp phần tạo nên một bức tranh kinh tế đầy triển vọng. (Ảnh tạo bởi ChatGPT) |
Về thu hút đầu tư tư nhân trong nước, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gia tăng thêm việc thành lập các doanh nghiệp mới, Thứ trưởng Phương đề xuất, cần kết hợp các giải pháp vĩ mô, như tháo gỡ, khơi thông thị trường trong nước như: bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…
Ngoài các động lực truyền thống, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, đất nước cũng cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hiện nay, Việt Nam đã có vị thế tốt trong bản đồ công nghệ thế giới, như: công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ cao khác… Đây là lợi thế và cơ hội để đất nước có thể bứt phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Có thể khẳng định, những giải pháp đồng bộ và hành động quyết liệt từ Chính phủ cùng sự đồng thuận, nỗ lực chuyển mình của toàn hệ thống chính trị sẽ là “chìa khóa” để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay - điều mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tao-suc-manh-tong-hop-dua-kinh-te-viet-nam-but-pha-304584.html
Bình luận (0)