Tạo sức hút từ lễ hội
Song hành cùng các lễ hội truyền thống, các festival, lễ hội hiện đại được tổ chức tại các địa phương đang trở thành điểm thu hút khách du lịch. Trong nhiều năm trở lại đây, một số tỉnh, thành phố đã xây dựng cho mình các lễ hội mới, đưa vào đó những đặc trưng vùng miền, kết hợp nhiều yếu tố vừa mang nét truyền thống, vừa đủ hiện đại, phù hợp với nhu cầu của đa số du khách.
Nhắc đến festival, không thể không nhắc đến Huế – thành phố Festival của Việt Nam với trên 500 lễ hội liên quan đến cung đình, dân gian, truyền thống, tôn giáo. Tháng 6 vừa qua, tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 đã khép lại 7 ngày sự kiện với con số tích cực khi đã đón hơn 100.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Doanh thu từ dịch vụ du lịch dịp này đạt 159 tỷ đồng.
Sau 24 năm nỗ lực đổi mới và sáng tạo, thương hiệu Festival Huế đã trở thành điểm nhấn trên bức tranh du lịch của cố đô Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương cho biết sự kiện này không chỉ có các chương trình nghệ thuật mang tính tiêu biểu, đại diện dấu ấn của nhiều nền văn hóa trong nước và quốc tế để du khách cùng tham gia, mà còn có các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian… được dày công tái tạo, giữ gìn hay các lễ hội mới phù hợp xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng. Đây cũng chính là nét độc đáo làm nên thương hiệu Festival Huế trong suốt 24 năm qua.
Nếu Festival ở Huế là nơi hội tụ không gian văn hóa đậm đà bản sắc cố đô thì Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lại là “bữa tiệc” của ánh sáng đỉnh cao, hòa quyện với âm nhạc và những hình ảnh biểu tượng của Đà Nẵng. Được tổ chức từ năm 2008, đây đã trở thành điểm hẹn văn hóa nghệ thuật, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách đến với thành phố ven sông Hàn.
Năm nay, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng có chủ đề Tinh hoa văn hóa tiếp tục thu hút các đội đến từ 8 quốc gia. Những câu chuyện văn hóa được kể bằng nghệ thuật ánh sáng luôn mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ, khơi dậy nguồn cảm xúc vỡ òa với du khách. Riêng trong tháng 6/2024 diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã đạt mức tăng ấn tượng trên 40% và vượt so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của thành phố ước đạt 2.523 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.
Gắn kết văn hóa với du lịch, bên cạnh Festival Huế, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, còn có Lễ hội hoa Đà Lạt, Carnival Hạ Long…, đã trở thành không gian văn hóa đặc sắc, hội tụ tinh hoa truyền thống và hiện đại. Điều đó cũng minh chứng cho sự sáng tạo dựa trên tài nguyên để thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Ở khu vực phía Nam, điển hình là Lễ hội Sông nước TPHCM 2024 vừa qua đã mang về cho du lịch TPHCM doanh thu 4.250 tỷ đồng. Theo báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành, lượng khách trong dịp diễn ra lễ hội đã tăng từ 40 – 50% so với thường kỳ. Chưa kể, chương trình đã nhanh chóng tạo thành cơn sóng trên mạng xã hội khi thu hút hơn 157.100 lượt tương tác và 36.500 lượt thảo luận ngay sau đêm khai mạc.
Có thể thấy, với tiềm năng về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên có nhiều lợi thế cho phát triển lễ hội mới, nhiều địa phương đã tích cực đầu tư cho các hoạt động để làm phong phú lễ hội, tạo ra những dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách. Đây chính là điểm quan trọng để thu hút khách trở lại với vùng đất trong mỗi dịp tổ chức lễ hội. Nhất là với các lễ hội được tổ chức thường niên thì việc xây dựng bản sắc cũng như tạo ra các trải nghiệm riêng có gắn với đặc trưng văn hóa của vùng đất sẽ là điểm mạnh để lễ hội tạo được nét riêng, không lẫn với những lễ hội ở vùng miền khác.
Mặt khác việc lựa chọn cách tạo dựng một sự kiện quy mô lớn được dày công tổ chức qua nhiều năm như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng cũng là cách làm rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên để làm được điều đó cần phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc thù địa phương, kinh phí tổ chức… thì mới đảm bảo được sự chỉn chu để vươn tầm quốc tế, và quan trọng hơn là để xây dựng thương hiệu cho thành phố, hướng tới tăng nguồn thu du lịch.
Theo các chuyên gia du lịch, để phát triển du lịch lễ hội, cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội, vào khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour du lịch.
Điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách. Đồng thời, nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách khi về lễ hội.
Biến lễ hội thành sản phẩm du lịch bền vững
Một trong những xu hướng nổi bật của du lịch toàn cầu hiện nay là du lịch bền vững và có trách nhiệm. Phát triển du lịch lễ hội đang là hướng đi mở ra nhiều cơ hội cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng bền vững. Việt Nam xác định du lịch văn hóa là một dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Vì vậy, du lịch gắn liền với lễ hội là sản phẩm bổ trợ, nổi bật và hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Theo ThS. Hoàng Thị Thu Hằng – Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), lễ hội thu hút du khách và tạo ra du lịch lễ hội. Khách du lịch bị thu hút bởi nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự khám phá những đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền, được trình diễn trong các sự kiện của lễ hội. Ngoài ra, khi tham gia loại hình du lịch lễ hội, khách du lịch có thể tham dự các sự kiện với bầu không khí của lễ hội, gặp gỡ những người có cùng sở thích và tìm hiểu thêm về các nền văn hóa của các cộng đồng khác nhau.
Tuy nhiên để xây dựng được lễ hội hiện đại làm điểm nhấn thu hút du lịch cho địa phương thì không phải là chuyện dễ. Vấn đề đặt ra đối với lễ hội truyền thống cũng như các lễ hội mới được các địa phương tổ chức những năm gần đây là làm thế nào để các lễ hội tránh sự trùng lặp, và có dấu ấn riêng.
Đạo diễn Lê Quý Dương – Chủ tịch Ủy ban Festival và Hợp tác sân khấu Quốc tế của Hiệp hội Sân khấu Thế giới – ITI/UNESCO, cho rằng, các lễ hội, festival cần phải ưu tiên bảo tồn và phát triển di sản. Mỗi lễ hội được tổ chức cần phải được lên kế hoạch, nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cặn kẽ nền văn hóa, lịch sử, di sản để làm nổi bật được bản sắc riêng của từng vùng, miền, tái hiện lịch sử, văn hóa và di sản sống động, không thể trộn lẫn.
Nếu khai thác được những lễ hội dựa vào đặc điểm văn hóa, tự nhiên của vùng đất như Lễ hội hoa ban ở Điện Biên, Lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang thì vừa đảm bảo được việc gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên, vừa gắn với đặc trưng vùng đất. Nhưng không phải địa phương nào cũng có sẵn những lợi thế tự nhiên như vậy. Chẳng hạn như Tuyên Quang, một tỉnh miền núi phía Bắc không sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nhưng vẫn nổi bật với Lễ hội Thành Tuyên, diễn ra thường niên vào ngày rằm tháng Tám hàng năm.
Từ lần đầu tiên tổ chức (năm 2004) cho đến nay, đây là sự kiện văn hóa đặc sắc đã trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế. Lễ hội đã nổi tiếng khắp cả nước bởi sự độc đáo của những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân có kích thước “siêu khủng”. Tổ chức kỷ lục Guinness Việt Nam đã chứng nhận “Đêm hội Thành Tuyên có nhiều mô hình đèn độc đáo, lớn nhất Việt Nam”.
Để có được thành tựu như vậy, điểm quan trọng là lễ hội đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài địa bàn tỉnh, tạo nên sự háo hức cho những người đã từng được trải nghiệm và khơi dậy trong họ muốn quay lại mỗi khi đến Tết Trung thu.
Vì vậy, điều quan trọng nhất của bất cứ lễ hội nào đó chính là sự đóng góp của cộng đồng. Vai trò của cộng đồng trong việc thực hành lễ hội là rất quan trọng. Vì vậy muốn biết lễ hội có lớn hay không, có thực sự được đón nhận và tồn tại lâu dài hay không cần nhìn vào sự ủng hộ của người dân. Lễ hội phải thực sự thu hút, trở thành nơi để mọi người cùng nhau vui chơi, cùng nhau sinh hoạt trong một khoảng thời gian nhất định mới tạo ra bản chất của lễ hội.
Cũng cần lưu ý, muốn xây dựng lễ hội như một sản phẩm du lịch, cần sự đầu tư lớn. Theo ông Hoàng Văn Khánh – Giám đốc Vietravel Chi nhánh Huế, để lễ hội thu hút khách không phải dễ. Trước hết, phải làm rõ việc tổ chức lễ hội hay sự kiện. Với quan điểm tổ chức lễ hội thuần túy thì sẽ dừng ở mức là hình thái sinh hoạt của cư dân bản địa, chỉ thu hút một bộ phận ít khách đến tìm hiểu lễ hội.
Còn khi nhìn nhận tổ chức lễ hội thành sự kiện thì có tính bài bản hơn, có dịch vụ, có trải nghiệm và có nguồn thu. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ dòng khách nào chọn lễ hội, để tập trung thúc đẩy các giải pháp thu hút.
Để lễ hội hiện đại thực sự trở thành sản phẩm du lịch tạo điểm nhấn cho địa phương, bên cạnh những nỗ lực của mỗi tỉnh, thành phố vẫn cần có sự ủng hộ của các chính sách giúp địa phương có thêm nguồn lực để xây dựng và tổ chức lễ hội, hướng tới thúc đẩy du lịch, tăng lợi ích kinh tế cho quốc gia.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tao-suc-hut-du-lich-tu-nhung-le-hoi-hien-dai-10287250.html