Xác định điểm nghẽn
Tình trạng khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB) đang xảy ra ở không ít dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bảo Yên nói riêng, khiến cho nhiều nhà đầu tư phải lùi tiến độ triển khai dự án và làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.
Dự án Cảng hàng không Sa Pa là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Lào Cai triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Bảo Yên. Tuy nhiên, vướng mắc trong GPMB đã gây khó khăn cho các bước tiếp theo của dự án.
Hiện nay, vẫn còn một số hộ dân chưa đồng thuận với giá đền bù hỗ trợ, đòi hỗ trợ lãi suất sản xuất nông nghiệp, khiếu kiện mất an ninh trật tự. Nhiều hộ dân mặc dù đã nhận tiền đền bù GPMB nhưng chưa nộp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Ông Nguyễn Xuân Nhẫn – Phó Bí thư huyện Bảo Yên cho biết, các dự án trên địa bàn huyện Bảo Yên đều có khó khăn chung là việc xác định điều kiện bồi thường, hỗ trợ liên quan đến nguồn gốc đất đai, nhưng hồ sơ tài liệu lưu trữ không đầy đủ, không được cập nhật nên khó khăn trong công tác lập hồ sơ thu hồi đất (việc quy chủ, xác định loại đất, thời gian tạo lập tài sản…).
Mức giá bồi thường, hỗ trợ chưa sát giá thị trường trong điều kiện bình thường nên mất nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động cũng là một nguyên nhân gây khó khăn cho việc thực hiện Dự án.
Việc tiếp biên giữa hai loại bản đồ tỷ lệ 1/1.000 và 1/10.000 chưa được đo đạc địa chính nên chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mất thời gian để xác định loại đất, chủ sử dụng đất trước khi lập hồ sơ thu hồi đất.
Khu tái định cư của Cảng hàng không Sa Pa phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần nên dẫn đến chậm tiến độ thi công, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để có mặt bằng bàn giao đất tái định cư.
Công tác bàn giao bản đồ trích đo GPMB chậm muộn, việc cập nhật, điều chỉnh, bổ sung biến động đất đai chưa đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác thống kê, kiểm đếm tài sản, cây cối, hoa màu trên đất, hồ sơ thu hồi đất GPMB phải làm lại, chỉnh sửa, điều chỉnh, bổ sung nên ảnh hưởng một phần đến tiến độ thực hiện Dự án.
Cùng với đó, không ít hộ dân chưa đồng ý kiểm kê nhà cửa, vật kiến trúc và đất nông nghiệp; tự ý cơi nới công trình, vật kiến trúc trên diện tích đất đã quy hoạch… gây khó khăn đến việc bù GPMB của dự án trong giai đoạn tiếp theo. Có thể thấy, “điểm nghẽn” trong GPMB chủ yếu là do cơ chế, chính sách về thu hồi đất, đền bù, GPMB đôi khi chưa đồng bộ nên quá trình vận dụng vào thực tế còn bất cập.
Không ít cán bộ trực tiếp làm về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB còn hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong xử lý các tình huống. Có lúc chưa nhiệt tình dẫn đến chất lượng thực hiện công việc kém hiệu quả.
Tháo gỡ vướng mắc
Bảo Yên xác định GPMB là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tạo nguồn lực thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 – 2025, do đó, tại mỗi dự án, huyện sẽ thành lập Tổ thẩm định gồm: lãnh đạo huyện, lãnh đạo Ban Quản lý dự án, lãnh đạo Ban Tuyên giáo huyện…
Ngay sau khi được thành lập Tổ thẩm định sẽ tiến hành kiểm tra, đôn đốc giám sát, kiểm điểm hằng tuần đối với công tác GPMB. Phân công trách nhiệm cho từng thành viên để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đồng thời, nhất quán quan điểm, thực hiện GPMB theo nguyên tắc đúng quy trình ngay từ đầu, đảm bảo công khai, minh bạch các quy định pháp luật về đất đai và công khai các phương án, chính sách đền bù GPMB.
Cùng với đó, tăng cường giám sát, phản biện, kịp thời phát hiện những bất cập về cơ chế chính sách, những vấn đề chưa thỏa đáng trong phương án GPMB để giải quyết thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Bảo Yên (Lào Cai), trong quá trình thực hiện dự án, công tác bảo vệ môi trường được đặc biệt trú trọng. Trước khi triển khai mỗi hạng mục, công tác khảo sát về sự tác động đến môi trường đều được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Các giải pháp thi công tối ưu được đưa ra để giảm thiểu tối đa việc tác động đến môi trường, cảnh quan, sinh thái của khu vực thi công và các địa bàn lân cận liên quan đến dự án.
Theo báo cáo, năm 2020, toàn huyện Bảo Yên đã triển khai thành công 46 công trình, dự án; bồi thường hỗ trợ tái định cư 75,2/83,6 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch với tổng diện tích đất thu hồi trong năm là 64,9ha. Trong năm 2021, địa phương đang triển khai tổng số 37 công trình, dự án với tổng kinh phí chi trả bồi thường là 91,8/96,0 tỷ đồng, đạt 95,6% kết hoạch với tổng diện tích đất thu hồi 52,7ha.
Năm 2022 Dự án Cảng hàng không Sa Pa đã thu hồi 295,2ha/295,2ha, đạt 100%. Trong đó, đất của các hộ gia đình, cá nhân là 268,62 ha, đất tổ chức là 14,27ha. Kinh phí thực hiện là 532,15 tỷ đồng, đến hiện tại đã có quyết định giao tái định cư là 218/220 hộ, đạt 98% kế hoạch.
Nhờ những nỗ lực trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cùng sự quyết liệt trong GPMB, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, những năm gần đây, các dự án đầu tư vào tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bảo Yên nói riêng đã tăng mạnh, mang lại tiềm năng kinh tế – xã hội, hứa hẹn đưa Bảo Yên trở thành huyện khá của Lào Cai cũng như đưa Lào Cai trở thành tỉnh đứng đầu Tây Bắc trong tương lai.