Năm 2024 khép lại với những thành tựu nổi bật trong tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát. Các khu vực kinh tế đều phát huy vai trò quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh và bền vững, sẵn sàng cho 2025 bứt phá.
Điểm lại thông tin kinh tế tuần đầu tiên của năm 2025 Năm 2025, Bình Định phấn đấu tăng trưởng GRDP trên 8,5% |
Quy mô GDP sát mốc 500 tỷ USD
Thông tin tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2024, tổ chức ngày 6/1/2025, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, GDP cả năm 2024 ước đạt 7,09%. Như vậy, năm 2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, và dù 7,09% chưa phải là mức tăng trưởng mang tính chất đột phá, song là mức tăng cao và “rất ấn tượng”.
Thực tế trong hầu hết các dự báo đưa ra nửa đầu năm 2024 của các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước, mức tăng trưởng được dự kiến chỉ trong khoảng 6-6,5% (tương đương với mục tiêu Quốc hội giao). Ngay kể cả sau bước chuyển tích cực với tăng trưởng GDP cao hơn trong quý II và quý III, nhiều dự báo cập nhật dù đã điều chỉnh tăng nhưng vẫn chỉ quanh mức 6,5-6,7%.
Nhìn lại cả giai đoạn 2011-2024, chỉ có 4/13 năm GDP ghi nhận mức tăng trên 7% và mức tăng 7,09% trong năm qua chỉ thấp hơn các năm 2018, 2019 (những năm nền kinh tế có được đà tăng trưởng rất tích cực ở các mức 7,47% và 7,36% trước khi đại dịch Covid bùng phát) và 2022 (tăng 8,54%). Bên cạnh đó, con số tăng trưởng chung 7,09% cả năm 2024 sẽ càng tích cực hơn nếu đặt trong diễn tiến nền kinh tế “tốt lên” qua từng quý. Trong đó, GDP quý IV/2024 tăng 7,55%, là mức tăng cao nhất trong năm, vượt trội so với quý I (5,98%), quý II (7,25%) và quý III (7,43%).
Đáng chú ý, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD (tỷ giá trung tâm VND/USD bình quân năm 2024 là 24.170,59 đồng). GDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Cùng với đó, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động (tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1% so với năm 2023).
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu dùng |
Nông nghiệp ổn định, công nghiệp và dịch vụ tăng ấn tượng
Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2024 cũng phản ánh xu hướng ổn định và phục hồi mạnh mẽ trong các khu vực. Với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù chịu tác động từ thiên tai, bão lũ, đặc biệt là bão Yagi nhưng hoạt động sản xuất vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, đạt mức tăng 3,27%, qua đó đóng góp 5,37% vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước (chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022 trong giai đoạn 2019-2024). Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%. Cùng với đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đã thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời mặt bằng lãi suất cho vay giảm giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp… Nhờ đó, ngành xây dựng đã có những chuyển biến tích cực, với giá trị tăng thêm cả năm 2024 đạt 7,87%.
Trong khi đó, các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023. Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ; vận tải, kho bãi; lưu trú và ăn uống… đều ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, tiêu dùng trong nước ổn định có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng năm 2024. “Các chính sách vĩ mô đã được thực hiện từ năm 2023 như giảm thuế VAT, cải cách tiền lương, nỗ lực giảm giá hàng hóa, dịch vụ… đã góp phần gia tăng sức mua nội địa vốn bị suy giảm từ thời dịch bệnh COVID-19”, bà Hạnh cho biết. Số liệu cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9%.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa là điểm nhấn quan trọng. Cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Trong đó nhập khẩu tăng 16,7%; xuất khẩu tăng 14,3%, nhờ được hỗ trợ lớn từ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm tại các thị trường lớn phục hồi. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng, là điểm sáng hỗ trợ cho phát triển sản xuất và xuất khẩu, cũng như góp phần vào tăng trưởng kinh tế năm 2024. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Vượt thách thức để đột phá trong năm 2025
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh cho rằng, có được kết quả như trên trong năm 2024 được hỗ trợ bởi một số yếu tố thuận lợi. Trong đó, việc ổn định kinh tế vĩ mô, áp dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn, lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất. Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài; các chính sách kích cầu tiêu dùng, giảm, gia hạn thuế đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong sản xuất và tiêu dùng.
Hạ tầng giao thông và logistics tiếp tục có nhiều bước tiến lớn tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và kết nối các vùng miền, giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những cải thiện này không chỉ hỗ trợ xuất khẩu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng. Trong khi đó, việc ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) từ những năm trước là tiền đề, cơ hội giúp xuất khẩu của Việt Nam vượt mục tiêu đặt ra, khẳng định vị thế của nước ta như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và sản xuất. Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng, không chỉ tập trung vào một vài thị trường lớn mà còn mở rộng sang nhiều thị trường mới nổi.
Trong khi đó, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch kể từ sau dịch Covid-19 với đa dạng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm… đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách. Hoạt động du lịch tăng trưởng tốt cũng có tác động lan tỏa tới các ngành khác như vận tải, lưu trú, ăn uống…
Tuy vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn. Trong đó, triển vọng kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với sự bất ổn, khó đoán định, đặc biệt là các căng thẳng, xung đột địa chính trị có thể tiếp tục gây ra áp lực lên giá nhiên liệu và hàng hóa nguyên liệu cơ bản. Xu hướng bảo hộ mậu dịch, các cạnh tranh thương mại, cầu bên ngoài yếu… cũng là những nhân tố có khả năng ảnh hưởng đến việc tiếp cận và mở rộng thị trường của Việt Nam. Hơn nữa trên nền tăng trưởng xuất nhập khẩu rất cao của năm 2024, việc thúc đẩy lên các mức cao hơn (như giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 2 con số) cũng là thách thức lớn…
Mặc dù các rủi ro như vậy có thể tác động không thuận tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, nhưng theo bà Phí Thị Hương Nga – Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, thu hút FDI tăng, đầu tư công tiếp tục được chú trọng… sẽ có tác động lan tỏa và là những yếu tố thuận lợi cho kinh tế trong nước cũng như sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam.
“Nếu Việt Nam tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời có sự chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa đáp ứng sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như đảm bảo các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì có thể sẽ tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo”, bà Nga nhận định.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tao-nen-tang-cho-nam-2025-but-pha-159656.html