Luật Thủ đô năm 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ tạo xung lực mới, xây dựng Thủ đô là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, xứng tầm với Thủ đô trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày 31/12, Báo Kinh tế và đô thị tổ chức khởi động các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, nhân dấu mốc Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực là dấu ấn rất quan trọng với Hà Nội, khởi động các sự kiện truyền thông là hoạt động có ý nghĩa rất lớn để tuyên truyền tới các cấp ngành và toàn thể người dân về những quy định mới của Luật, đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong quản lý, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024, gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, và của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
Theo bà Thủy, Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Bà Thuỷ đánh giá, Luật sẽ giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, về an sinh xã hội.
Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về kiến trúc cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường. Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, những cơ chế, chính sách đặc thù từ Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện, với không gian mở, tập trung đổi mới sáng tạo, xây dựng Thủ đô thực sự là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, xứng tầm với Thủ đô trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống, tại 2 kỳ họp của HĐND TP Hà Nội đã thông qua 17 Nghị quyết của HĐND TP về triển khai thi hành Luật Thủ đô với những quy định thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, hiện có hơn 30 tờ trình Nghị quyết được các sở, ban, ngành TP đăng ký trình HĐND TP xem xét, thông qua vào các kỳ họp tới. Cùng với đó, UBND TP Hà Nội đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để cụ thể hoá các nội dung, điều luật.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 169/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của UBND phường của TP Hà Nội.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tao-khong-gian-moi-de-thu-do-phat-trien-toan-dien-trong-ky-nguyen-moi-10297518.html